Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số điểm mới đáng chú ý nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Bổ sung một số thuật ngữ mới
So với luật Sở hữu trí tuệ 2005, luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung một số thuật ngữ về quyền tác giả, quyền liên quan sau:
– Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao (Điều 4.10a).
– Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (Điều 4.10b).
– Biện pháp công nghệ hữu hiệu là biện pháp công nghệ bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc cơ chế kiểm soát sao chép (Điều 4.10c).
– Thông tin quản lý quyền là thông tin xác định về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và các điều kiện khai thác, sử dụng; số hiệu, mã số thể hiện các thông tin nêu trên. Thông tin quản lý quyền phải gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được truyền đến công chúng (Điều 4.10d).
– Truyền đạt đến công chúng là việc truyền đến công chúng tác phẩm; âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện của âm thanh, hình ảnh được định hình trong bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng. (Điều 4.11a).
2. Bổ sung khái niệm về tác giả, đồng tác giả
Trước đó, quy định về tác giả và đồng tác giả không được quy định trong luật SHTT 2005 mà được hướng dẫn tại Điều 6, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP:
“1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
2. Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.”
Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung Điều 12a quy định về tác giả, đồng tác giả với nội dung được điều chỉnh như sau:
“1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. (Điều chỉnh so với Nghị định số 22/2018/NĐ-CP)
2. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả..
3. Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụngđộc lập mà không làm phương hạiđến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.” (Điểm mới)
Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần hạn chế những tranh chấp phát sinh, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tác giả, đồng tác giả.
3. Sửa đổi và bổ sung quy định quyền nhân thân, quyền tài sản
3.1. Về quyền nhân thân (Điều 19)
Luật SHTT 2022 vẫn giữ nguyên các quyền nhân thân như luật năm 2005 nhưng có điều chỉnh, bổ sung, cụ thể quyền nhân thân bao gồm:
1. Đặt tên cho tác phẩm.
Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này; (Điểm mới)
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy, ngoài các quyền tài sản, bên nhận chuyển giao còn có thể sử dụng có quyền đặt tên tác phẩm, tùy theo thỏa thuận với tác giả.
Trước khi có quy định trên, chủ sở hữu trong quá trình sử dụng, khai thác tác phẩm, nếu có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm phải có văn bản xác nhận đổi tên tác phẩm của tác giả. Việc này làm phức tạp, khó khăn cho chủ sở hữu trong trường hợp tác giả ở xa, điều kiện sức khỏe không đảm bảo. Quy định mới không chỉ đảm bảo các quyền nhân thân vốn có của tác giả, mà còn tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng hơn cho chủ sở hữu khi cần đổi tên tác phẩm.
3.2. Về quyền tài sản (Điều 20)
– So với luật SHTT 2005, Luật SHTT sửa đổi 2002 đã sửa đổi quy định về quyền tài sản như sau:
“1. Quyền tài sản bao gồm:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
– Ngoài ra, luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bổ sung một số trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi:
a) Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.”
3.3. Về quyền của người biểu diễn, Luật SHTT sửa đổi 2022 quy định:
“1. Người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn theo quy định của Luật này.
Trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì người biểu diễn được hưởng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều này; chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn được hưởng các quyền tài sản quy định tại khoản 3 Điều này.” (khoản 1 Điều 29)
Những điều chỉnh, bổ sung trên là cơ sở pháp lý để thỏa thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Điều này giúp các nhà sáng tạo, nhà đầu tư, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, người biểu diễn được bảo vệ một cách hiệu quả, minh bạch, công khai, bình đẳng và chính xác; tăng niềm tin của xã hội vào tính nghiêm minh của pháp luật, vào môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng hiệu quả vận hành của thị trường văn hoá.
4. Sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan
Luật SHTT sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung các quy định về Giới hạn quyền tác giả (Điều 26) và Giới hạn quyền liên quan (Điều 33) với các mục tiêu:
– Hài hòa lợi ích giữa bên sáng tạo và quyền tiếp cận tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của công chúng.
– Bảo vệ lợi ích của bên sáng tạo và bên khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Bên cạnh đó, Luật mới còn bổ sung quy định giới hạn quyền đặc biệt liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy & Quốc ca, cụ thể: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”(Điều 7)
Đây là sự bổ sung hợp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước và cộng đồng.
5. Sửa đổi, bổ sung quy định về “sao chép” tác phẩm
Theo quy định sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi 2022: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”
Với quy định mới này, việc sao chép một phần tác phẩm chính thức được xem là hành vi sao chép, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục được những vướng mắc do pháp luật không rõ ràng trong nhiều vụ việc liên quan đến quyền tác giả trước đây.
6. Bổ sung quy định quyền tác giả là căn cứ để từ chối bảo hộ nhãn hiệu
Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, trong đó có:
“Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.” (điểm p khoản 2 Điều 74)
7. Điểm mới về giả định quyền tác giả, quyền liên quan
Điều 198a Luật SHTT sửa đổi 2022 đã luật hóa quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP về giả định quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể:
“Trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự về quyền tác giả và quyền liên quan, nếu không có chứng cứ ngược lại thì quyền tác giả, quyền liên quan được giả định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó;
2. Nêu tên theo cách thông thường quy định tại khoản 1 Điều này được hiểu là được nêu tên trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có) hoặc trên các bản sao tương ứng được công bố hợp pháp trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại;
3. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng quyền tác giả hoặc quyền liên quan tương ứng.”
Quy định này có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trong thời đại công nghệ 4.0 với độ phủ sóng toàn cầu của các nền tảng truyền thông mạng xã hội.
8. Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan
Luật SHTT 2022 đã bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 198b), cụ thể như sau:
“1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình trong các trường hợp sau đây:
a) Chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số;
b) Khi thực hiện chức năng lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thực hiện một cách tự động, tạm thời nhằm mục đích trung chuyển thông tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn, với các điều kiện sau: chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ; tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử dụng nội dung thông tin số; tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi; không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số; gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó;
c) Lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ với các điều kiện sau: không biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
d) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều này không phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm.
5. Nội dung thông tin số quy định tại Điều này là tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ theo quy định của Luật này được thể hiện dưới dạng số.”
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (như các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki,…) đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền đạt, phân phối các tác phẩm đến với công chúng. Trong trường hợp xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả, những doanh nghiệp này chính là chủ thể đầu tiên có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc tạo điều kiện để hành vi xâm phạm diễn ra. Do vậy, có thể nói đây là chủ thể có vai trò quan trọng trong hoạt động truyền đạt tác phẩm và bảo vệ quyền tác giả.
Quy định trên là một trong những điểm mới của Luật SHTT 2022, đã tạo cơ hội cho chủ thể quyền tác giả được bồi thường thiệt hại thỏa đáng, khiến bên vi phạm gián tiếp phải cân nhắc khi thực hiện hành vi xâm phạm. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được nâng cao hơn, từ đó tăng hiệu quả phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.