Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

You are currently viewing Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

Hiện nay ở nước ta vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên không gian mạng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là từ phía các doanh nghiệp (DN). Chỉ khi nào các DN quan tâm, nhận thức về quyền SHTT thì sẽ giải quyết được các vụ việc liên quan đến hỗ trợ pháp lý khi các DN bị tranh chấp.

Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền SHTT cho DN Việt trên môi trường số”. Ảnh: VGP/HM

Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền SHTT cho DN Việt trên môi trường số” do CLB Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức ngày 28/9, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, quyền SHTT là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, các DN cần quan tâm, nhận thức và tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp, nếu không sẽ rất khó giải quyết được các vụ việc liên quan đến SHTT khi bị tranh chấp, nhất là trên không gian mạng.

Hiện nay, các cơ quan Nhà nước đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển môi trường lành mạnh về SHTT nên các DN cần phải chung tay, vì đó là quyền lợi của DN. Tuy nhiên, việc hưởng ứng của DN trong sở hữu trí tuệ thực sự là vấn đề lớn. Điều này thể hiện tại các cuộc họp liên quan đến vấn đề SHTT, rất ít DN được mời tham dự.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục SHTT, khi có tài sản có giá trị, DN tìm mọi cách bảo vệ, nhưng với tài sản trí tuệ thì lại chưa. “Chúng tôi mong muốn thời gian tới, DN cần thay đổi nhận thức này, vì hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước như chúng tôi đang đơn độc trong vấn đề này, do các DN chưa có các hành động cụ thể”.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, vấn đề bảo hộ quyền SHTT trên không gian mạng hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là từ phía các doanh nghiệp – Ảnh: VGP/HM

Lấy ví dụ về vụ việc cạnh tranh giữa Sconnect (DN của Việt Nam) và EO (đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One) về nhân vật hoạt hình Wolfoo và Pepa Pig, ông Trần Lê Hồng cho rằng, các đề xuất của DN đối với cơ quan Nhà nước trong việc can thiệp với các nền tảng, đảm bảo quyền của DN Việt Nam ở nước ngoài… cần được đánh giá trong bối cảnh hợp lý, do quyền SHTT có tính chất lãnh thổ. Nếu nhân vật Wolfoo được sáng tạo ở Việt Nam thì chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền SHTT của mình đầu tiên.

Nhãn hiệu là một trong những “đối tượng” bị xâm phạm nhiều trên internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia như hiện nay, việc phải xác định bảo hộ đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó. Đặc biệt, khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến vấn đề trong việc bảo vệ mình. Các DN starup có nguồn lực hạn chế, nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh, nhất là về SHTT và nhãn hiệu thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý, chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động.

Ở giai đoạn đầu, các DN thường có tư tưởng không có tranh chấp, nếu đăng ký bản quyền, sử dụng dịch vụ pháp lý… sẽ tốn kém.  Các vấn đề tối ưu thường tập trung cho sản xuất, sáng tạo, coi nhẹ vấn đề pháp lý bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, khi tham gia sân chơi chung, DN cần phải nhận thức vấn đề quan trọng nhất, đó là phải xác lập quyền của mình theo quy định của luật.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia và luật sư đều cho rằng, các DN cần phải có nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT của mình trên môi trường mạng và hãy bảo vệ bản quyền của chính mình từ khi có ý tưởng, đừng để khi xảy ra vụ việc tranh chấp thì lại rơi vào tình huống “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ