Những quốc gia có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả đã được hưởng lợi từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ của họ và tạo ra được một môi trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Nhưng nhiều quốc gia gặp những khó khăn lớn trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, ví dụ như người dân không có ý thức về sở hữu trí tuệ, luật pháp không đầy đủ, cơ chế thực thi luật không hiệu quả và nhiều quốc gia không có đủ nguồn lực để giải quyết những khó khăn này.
Chính phủ Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp tư nhân dựa trên sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ tổ chức những khóa đào tạo dài hạn cho quan chức và công dân nước ngoài. Trong năm 2003 và đầu năm 2004, những đào tạo viên Hoa Kỳ đã tổ chức 295 chương trình, từ chương trình đào tạo pháp lý được tổ chức ở Phi-lip-pin cho tới kỹ thuật điều tra và truy tố được tổ chức tại Ai Cập. Những đào tạo viên về sở hữu trí tuệ của Chính phủ Hoa Kỳ là nhân viên của Cục Nhãn hiệu và Bằng sáng chế, Chương trình Phát triển Luật Thương mại của Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, các Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới và Cục Nhập cư và Thực thi Hải quan thuộc Bộ An ninh nội địa, Văn phòng Bản quyền thuộc Thư viện Quốc hội. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ cho nhiều chương trình đào tạo thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), Cục Thi hành luật và ma túy quốc tế hay Cục Văn hoá-Giáo dục. Chẳng hạn như các chương trình này gồm các khóa đào tạo về truy tố xét xử do Bộ Tư pháp phụ trách với những chỉ dẫn thực tế về việc làm thế nào để xét xử một vụ án vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đào tạo về những vấn đề tác nghiệp do Bộ An ninh Nội địa phụ trách nhằm trợ giúp các nhân viên hải quan nâng cao khả năng phát hiện và thu giữ hàng giả tại cảng biển và cửa khẩu biên giới.
Các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài cũng cung cấp và tổ chức những chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ và các hoạt động trợ giúp nhằm nâng cao ý thức của công chúng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đầu tư rất nhiều cho việc nâng cao kiến thức thiết yếu về sở hữu trí tuệ cho nhân viên ngoại giao của Bộ hoạt động ở nước ngoài, từ đó họ có thể hỗ trợ công tác đào tạo của chúng tôi và nắm bắt xử lý các vấn đề sở hữu trí tuệ thông qua các kênh ngoại giao.
Khu vực kinh tế tư nhân của Hoa Kỳ cũng rất năng động. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Liên minh Phần mềm Kinh doanh, Tổ chức Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ, Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Liên minh Chống hàng giả Quốc tế, các công ty thành viên và các cộng tác viên đều cung cấp các khóa đào tạo trên toàn thế giới. Chẳng hạn như vào tháng 12 năm 2004, Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế kết hợp cùng với Cục Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Hoa Kỳ tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày ở Tây Phi cho hơn 70 người, trong đó bao gồm các thẩm phán, luật sư, chuyên gia y tế công cộng và doanh nhân của Nigieria, Gambia, Senegal, Ghana và Burundi. Những người tham gia hội thảo đã được học về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với việc phát triển kinh tế ở khu vực Tây Phi, vấn nạn thuốc giả trong khu vực và sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh và thu âm ở các quốc gia này như thế nào.
Các chương trình đào tạo tập trung vào tất cả những khía cạnh của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sự phối hợp giữa chính phủ các nước và tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa cảnh sát, quan chức phụ trách sở hữu trí tuệ, cơ quan tư pháp và những người đang nắm quyền sở hữu trí tuệ. Việc tập trung đào tạo nội dung thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với xu hướng và tuyến đường buôn lậu cũng rất thiết yếu, đặc biệt là ở những nơi biên giới không được kiểm soát chặt chẽ khiến cho việc buôn lậu hàng giả và hàng ăn cắp bản quyền trên phạm vi quốc tế trở nên dễ dàng. Cùng với việc thương mại hóa Internet và nạn ăn cắp trên Internet đang gia tăng, những đào tạo viên Hoa Kỳ cũng giúp các quốc gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết nhằm giải quyết vấn đề mới nảy sinh này.
Chương trình đào tạo của các doanh nghiệp và Chính phủ Hoa Kỳ được đưa lên địa chỉ http://www.training.ipr.gov/. Địa chỉ này cung cấp thông tin mô tả ngắn gọn về các chương trình đào tạo và thông tin liên hệ của các giảng viên. Mặc dù phần nhiều các chương trình này là dành cho quan chức chính phủ nhưng một số chương trình được cung cấp miễn phí cho công chúng.
Để biết thêm thông tin về các khóa đào tạo sở hữu trí tuệ, xin liên hệ Văn phòng Thực thi Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo số điện thoại (202) 647-3251 hoặc địa chỉ EB/TPP/IPE, Phòng 3638, số 2201 phố C, Washington, D.C., 20520.
________________________________________
Bài viết của Allison Areias, ông là nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ công tác tại Phòng Thực thi Sở hữu trí tuệ Quốc tế, Cục Kinh tế, Bộ Ngoại giao.
Nguồn: https://www.maxreading.com/sach-hay/chuyen-de-ve-quyen-so-huu-tri-tue.