Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định mới

You are currently viewing Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định mới

Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ là một trong số các nội dung quan trọng mới được bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Dưới đây là một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản đáng lưu ý.

1. Bổ sung 03 trường hợp bị chấm dứt hiệu lực

Luật sửa đổi bổ sung một số điều năm 2022, tại Điều 95 sửa đổi đã bổ sung các trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực là:

  • Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
  • Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
  • Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ

2. Bổ sung quy định về chấm dứt hiệu lực toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ

Quy định mới ghi rõ: “Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây

Quy định hiện hành không quy định rõ đối với việc chấm dứt một phần hiệu lực của văn bằng bảo hộ, nên trong thực tế áp dụng, dẫn đến cách hiểu và vận dụng tương đối máy móc đó là không chấp nhận yêu cầu chấm dứt một phần hiệu lực của văn bằng bảo hộ.

3. Bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực

Theo tinh thần quy định tại Khoản 4 Điều 95 thì quyền thực hiện yêu cầu chấm dứt hiệu lực là bất kỳ Tổ chức, cá nhân nào. Cụ thể là: “tổ chức, cá nhận có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 với điều kiện phải nộp phí, lệ phí”.

4. Thủ tục chấm dứt hiệu lực đối với đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được ghi nhận

Tại khoản 7 của Điều luật, lần đầu tiên Luật ghi nhận thủ tục chấm dứt hiệu đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp. Quy định này cũng nhằm thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam là thanh viên đó là Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

https://ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/viet-nam-gia-nhap-thoa-uoc-la-hay-ve-ang-ky-quoc-te-kieu-dang-cong-nghiep

https://ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/tong-quan-ve-thoa-uoc-la-hay-lien-quan-en-ang-ky-quoc-te-kieu-dang-cong-nghiep

5. Kết quả xem xét và hậu quả pháp lý liên quan đến yêu cầu chấm dứt hiệu lực

Tại khoản 5 của Điều luật quy định: Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều nàyý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quyết định chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Như vậy, kết quả của việc xem xét yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ sẽ được thể hiện dưới một trong các hình thức như sau:

  • Thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ – trường hợp Đơn yêu cầu không được chấp nhận toàn bộ; hoặc
  • Quyết định chấm dứt toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ; hoặc
  • Quyết định chấm dứt một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ – chấp nhận một phần (hoặc toàn bộ – nếu Đơn chỉ yêu cầu chấm dứt một phần hiệu lực và phần đó được chấp nhận) của Đơn yêu cầu.

Bình luận:

Mặc dù quy định trên đây còn rất mới và chưa chính thức có hiệu lực áp dụng, nhưng chúng tôi nhận thấy có khá nhiều vấn đề cần được hướng dẫn, giải thích và tổ chức thực hiện để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả, đáng kể đến là:

  • Về 02 trường hợp có thể bị xem xét chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ mới được đưa vào Luật.

1) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

2) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó.

Chúng tôi nhận thấy đây là các trường hợp mang tính dự liệu, dự báo của pháp luật về lý thuyết nhằm làm cho hệ thống pháp luật thực định của Việt Nam tương thích với các cam kết quốc tế… nhưng sẽ rất khó để chứng minh thực tế thế nào sẽ bị coi là “người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý” trong khi chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (và người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép) vẫn tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu theo quy định.

Đối với trường hợp “Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa” có thể nhận thấy đây không phải là trường hợp hiếm xảy ra trên thực tế chẳng hạn như với các nhãn hiệu Honda (Hông Đa) đăng ký và bảo hộ cho sản phẩm xe máy, xe gắn máy, nhãn hiệu Lavie đăng ký và bảo hộ cho sản phẩm nước uống đóng chai, nước khoáng…hoặc nhãn hiệu MAGGI (MAGI) đăng ký và bảo hộ cho các sản phẩm nước chấm, dầu hào, nước tương hoặc nhãn hiệu dịch vụ GOOGLE được sử dụng phổ biến như một công cụ, một hành động tìm kiếm trên mạng internet…Vậy câu hỏi đặt ra là các nhãn hiệu đã được sử dụng như tên gọi thông thường đăng ký (sử dụng) cho chính nhãn hiệu ở các ví dụ trên có thể bị chấm dứt không? Và điều đó có phù hợp và hợp lý không?

Ở khía cạnh khác, vô hình chung có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền của bên thứ ba nhằm ngăn cản hoạt đông khai thác, sử dụng và thực thi quyền của chủ văn bằng bảo hộ; thậm chí làm gia tăng khối lượng công việc phải xử lý tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp là Cục Sở hữu trí tuệ – vốn đã và đang luôn trong tình trạng quá tải với nhiều hồ sơ bị tồn đọng kéo dài.

  • Về hậu quả pháp lý của việc xem xét Đơn yêu cầu chấm dứt.

Chúng tôi hiểu rằng khi thủ tục xem xét Đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuế kết thúc bằng việc ban hành một trong các hình thức văn bản hành chính nêu tại khoản 5 của Điều luật thì cũng sẽ phát sinh quyền khiếu nại, quyền đề nghị xem xét lại từ phía Người đã nộp đơn yêu cầu và đã nộp phí, lệ phí. Thậm chí cũng sẽ phát sinh quyền có ý kiến của bên thứ 3 liên quan khác…

Như vậy, với tính chất đặc thù của lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, sẽ rất cần phải có hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn về việc thực hiện tiếp các quyền về khiếu nại, khởi kiện…liên quan đến thủ tục chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhằm tránh dẫn đến các cách hiểu và áp dụng không thống nhất ví dụ: Đối với Quyết định hành chính thì được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, nhưng đối với Thông báo hành chính thì không được quyền khiếu nại, khởi kiện…

Trần Thị Thanh Bình

Phòng Thực Thi Quyền

INVESTIP IP LAW FIRM