Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm điện ảnh sửa chữa, thay đổi tác phẩm có vi phạm bản quyền hay không? Câu trả lời sẽ được INVESTIP giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tác phẩm điện ảnh là một thể loại khá đặc biệt, được pháp luật công nhận và bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ). Tác phẩm điện ảnh thực chất được thể hiện bằng hình ảnh động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.
Có thể nói, một tác phẩm điện ảnh là tập hợp của rất nhiều loại hình tác phẩm khác. Cũng vì đặc điểm này, tác giả thực hiện tác phẩm điện ảnh là một tập thể các tác giả được pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh và sẽ được hưởng các quyền nhân thân đối với tác phẩm này.
Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền tài sản quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, việc sửa chữa, thay đổi tác phẩm thông thường đang xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, riêng đối với tác phẩm điện ảnh tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ-CP pháp luật có cho phép việc tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về việc sửa chữa tác phẩm. Trên thực tế, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm điện ảnh vẫn có thể tiến hành sửa chữa, thay đổi tác phẩm nếu được sự đồng ý của tác giả.