Tổ chức liên chính phủ (IGOs) là nhóm thành viên (các quốc gia có chủ quyền) hợp tác với nhau về các vấn đề có lợi ích chung. Nhận diện thương mại phổ biến nhất của các IGOs thường là tên viết tắt từ các chữ cái đầu tiên trong tên của IGOs. Những tên viết tắt này không chỉ là cách nhận diện ngắn gọn mà còn là biểu tượng thương mại thay thế cho tên đầy đủ của các tổ chức. Bài viết này sẽ phân tích cơ chế bảo vệ tên viết tắt của các tổ chức quốc tế theo Điều 6ter của Công ước Paris và những trở ngại khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với tên viết tắt của IGOs.
1. Cơ chế bảo vệ chung đối với tên viết tắt của tổ chức quốc tế
Điều 6ter của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp bảo vệ huy hiệu, quốc kỳ và các biểu tượng quốc gia của các quốc gia tham gia công ước, cũng như các dấu hiệu và dấu chứng nhận chính thức do họ chấp nhận, chống lại việc đăng ký và sử dụng trái phép như các nhãn hiệu. Quy định này đã được mở rộng vào năm 1958 để bao gồm cả huy hiệu, quốc kỳ, biểu tượng khác, tên viết tắt và tên của các tổ chức quốc tế liên chính phủ mà một hoặc nhiều quốc gia tham gia Công ước Paris là thành viên.
Điều 6ter không tạo ra quyền nhãn hiệu hoặc bất kỳ loại quyền sở hữu trí tuệ nào khác đối với các dấu hiệu được bảo vệ bởi quy định này. Tuy nhiên, nó cung cấp một mức độ bảo vệ đặc biệt cho các biểu tượng và tên gọi của các tổ chức quốc tế liên chính phủ, bao gồm cả tên viết tắt của họ.
Vào năm 1992, Hội đồng Paris Union đã thông qua các Hướng dẫn về việc giải thích Điều 6ter (1)(b) và (3)(b), làm rõ rằng bất kỳ chương trình hoặc tổ chức nào được thành lập bởi một tổ chức quốc tế liên chính phủ và bất kỳ hiệp ước nào cấu thành một hiệp ước quốc tế có thể, dưới những điều kiện nhất định, hưởng lợi từ sự bảo vệ được cấp bởi Điều 6ter(1)(b) của Công ước Paris.
2. Cơ chế bảo vệ đối với tên viết tắt của tổ chức quốc tế tại Việt Nam
Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, dù tên viết tắt của tổ chức quốc tế có được bảo hộ như một nhãn hiệu hay không, chúng vẫn có quyền ngăn chặn việc đăng ký của bất kỳ chủ thể nào nếu việc đăng ký đó gây nhầm lẫn cho cộng đồng. Phù hợp với Điều 73.2 của Luật Sở hữu trí tuệ, các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
Điều này có nghĩa là, bất kỳ nhãn hiệu nào trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên viết tắt của tổ chức quốc tế sẽ ngay lập tức bị từ chối đăng ký trên cơ sở tuyệt đối bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Một nhãn hiệu được coi là trùng với tên viết tắt của IGOs nếu nó chính là phần tên viết tắt. Một nhãn hiệu được coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn nếu phần tên viết tắt này, dù được kết hợp với một thành phần mạnh khác, vẫn tạo nên sự ghi nhớ độc lập trong cộng đồng, dẫn đến khả năng gây nhầm lẫn.
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ thừa nhận một ngoại lệ duy nhất: nếu nhãn hiệu đó nhận được sự cho phép bằng văn bản của tổ chức quốc tế liên quan. Thư chấp thuận này về bản chất không khác “Thư đồng thuận” (Letter of Consent) của một chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép người khác sử dụng dấu hiệu đã được đăng ký của họ để cấu thành nên nhãn hiệu nộp đơn, cũng như không phản đối việc nộp đơn đăng ký nhãn hiêu này. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là việc tên viết tắt của Tổ chức quốc tế không cần phải là một nhãn hiệu được bảo hộ. Nó tự có khả năng phân biệt dựa trên uy tín và danh tiếng được biết đến rộng rãi của Tổ chức quốc tế. Chính vì tính chất đặc biệt của chủ thể này và cơ chế “cho phép” sử dụng tên viết tắt sẽ luôn khắt khe nghiêm ngặt từ chính yêu cầu nội tại của các Tổ chức quốc tế nên Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ luôn đồng ý thẩm định các dấu hiệu này để xét cấp bảo hộ nhãn hiệu miễn là chủ đơn nhãn hiệu chứng mình được sự cho phép. Với các trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ không quan tâm việc sử dụng hoặc đăng ký các tên viết tắt như vậy liệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không, khác hoàn toàn với cơ chế xét cấp bảo hộ cho dấu hiệu có nhãn hiệu đối chứng và chủ nhãn đối chứng có “Thư đồng thuận” cấp cho chủ đơn đăng ký
3. Những lưu ý để tránh nguy cơ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với tên viết tắt của tổ chức quốc tế.
Phù hợp với quy định của Điều 6ter, sự bảo vệ chỉ áp dụng cho các huy hiệu, quốc kỳ, biểu tượng khác, tên viết tắt và tên của các tổ chức quốc tế liên chính phủ mà các tổ chức này đã thông báo tới các nước trong Liên minh thông qua Văn phòng Quốc tế.
Hiện nay, có một số trường hợp chủ đơn chỉ biết rằng nhãn hiệu mình nộp trùng/tương tự gây nhầm lẫn với tên viết tắt của tổ chức quốc tế khi nhận được thông báo từ chối đăng ký từ Văn phòng nước sở tại. Điều này khiến người nộp đơn tốn thời gian theo đuổi đơn và có thể ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thời gian thẩm định đối với đơn đăng ký nhãn hiệu không hề ngắn (trung bình từ 09-18 tháng).
Trường hợp này thường bắt nguồn từ sự giới hạn thông tin và phạm vi sử dụng tên viết tắt của IGOs. Một số IGO chỉ hoạt động khu vực và giới hạn thành viên của họ ở các tiểu bang trong các khu vực chỉ định, khiến tên viết tắt không đạt được khả năng nhận diện toàn cầu và nằm ngoài khả năng nhận biết của người nộp đơn.
Để ít nhất giảm thiểu rủi ro khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có khả năng bị từ chối do trùng/ tương tự gây nhầm lẫn với tên viết tắt đang được bảo vệ theo Điều 6ter, người nộp đơn có thể tham khảo hai nguồn dữ liệu sau đây:
i. Dữ liệu lưu trữ nội bộ của Cục Sở hữu trí tuệ sở tại: Để tiếp cận nguồn này, chủ đơn cần tiến hành tra cứu trực tiếp tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ nơi mình dự định nộp đơn.
ii. Công báo cơ sở dữ liệu Điều 6ter của WIPO: Trên trang dữ liệu https://www.wipo.int/en/web/article-6ter/ của Văn phòng Quốc tế, người nộp đơn có thể tra cứu sơ bộ về việc nhãn hiệu mà họ dự định đăng ký có trùng/tương tự gây nhầm lẫn với tên viết tắt của tổ chức quốc tế đang đệ trình/ được thông báo bảo vệ theo Điều 6ter hay không.
Dưới đây là một số tên viết tắt của các tổ chức quốc tế đã được thông báo để bảo vệ theo Điều 6ter thông qua Văn phòng Quốc tế:
Một số dấu hiệu được bảo vệ theo Điều 6ter[1] | ||||
Dấu hiệu | Số tham vấn | Tên tổ chức | Địa chỉ | Ngày công bố |
OHIM | EM6 | Office for Harmonization in the Internal Market (Trademarks and Designs) | Rue de la Loi 200, Brussels, B-1049, Belgium | 20.01.1998 |
ASEAN | QO780 | Association of Southeast Asian Nations | 70 A JL. Sisingamangaraja, Jakarta, 12110, Indonesia | 14.11.2003 |
UNFCCC | QO565 | United Nations Framework Convention on Climate Change (New York, 1992) | P.O. Box 260124, Bonn, D-53153, Germany | 31.03.2000 |
APEC | QO393 | Asia-pacific Economic Cooperation | 35 Heng Mui Keng Terrace, Singapore, 119616, Singapore | 13.12.1995 |
INTERPOL | QO287 | International Criminal Police Organization | 200, quai Charles de Gaulle, Lyon, 69006, France | 22.01.1981 |
UNICEF | QO151 | United Nations Children’s Fund | 3 U.N. Plaza, 13th floor, New York, N.Y. 10017, United States of America | 05.11.1975 |
WHO | QO20 | World Health Organization | Avenue Appia 20, Geneva 27, 1211, Switzerland | 24.08.1962 |
WCO | QO950 | World Customs Organization | 28.02.2006 | |
OECD | QO693 | Organization for Economic Development | 20.03.2002 |
[1] Nguồn: https://6ter.wipo.int/
Tác giả: Lê Thị Dung
Phòng Nhãn Hiệu