Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành khảo sát liên quan đến Thư chấp thuận trong thủ tục đăng ký nhãn hiệu

1. Thư chấp thuận – Giải pháp giúp tăng cơ hội đăng ký nhãn hiệu thành công

Trong quá trình thẩm định nội dung, một nhãn hiệu có thể bị từ chối đăng ký do trùng lặp hay tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước (nhãn hiệu đối chứng). Trong trường hợp này, một trong những cách để vượt qua thông báo từ chối là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu phải xin Thư chấp thuận (Letter of Consent – LC) từ chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng.

Trong LC, hai bên sẽ thỏa thuận phạm vi cho phép và nhóm sản phẩm dịch vụ mà chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng sẽ cấp phép, do đó tạo cơ sở để cấp văn bằng cho nhãn hiệu xin đăng ký.

Thông tin về Thư chấp thuận trong thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam xem thêm tại đây.

2. Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành khảo sát liên quan đến Thư chấp thuận

Mặc dù nhiều trường hợp Thư chấp thuận đã được chấp nhận như một căn cứ để vượt qua lý do từ chối, tuy nhiên trên thực tế, trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam từ trước đến nay chưa có quy định cụ thể đề cập đến Thư chấp thuận. Bản thân sự cam kết trong LC chỉ đảm bảo cho việc không phát sinh tranh chấp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng với chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký, chứ không thể đảm bảo rằng nhãn hiệu đối chứng có khả năng phân biệt với nhãn hiệu xin đăng ký và người tiêu dùng không nhầm lẫn khi lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu của hai chủ thể này.

Trước những tồn tại nêu trên, đầu tháng 4 năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến khảo sát ý kiến của các đại diện sở hữu công nghiệp trên cả nước về những vấn đề liên quan đến Thư chấp thuận nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như thống nhất các nguyên tắc áp dụng quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại Việt Nam.

Nội dung khảo sát lần này đề cập đến các vấn đề chính như:

  • Cơ quan quản lý nhà nước có nên cho phép một nhãn hiệu trong đơn đang được xem xét có thể vượt qua sự từ chối bảo hộ với lý do trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước (nhãn hiệu đối chứng) chỉ thông qua Thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đối chứng hay không?
  • Việc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ trên cơ sở Thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đó thì chấp nhận ở mức độ nào để có thể đảm bảo được chức năng cơ bản của nhãn hiệu – giúp người tiêu dùng phân biệt được nguồn gốc thương mại của sản phẩm dịch vụ?
  • Nếu trong Thư chấp thuận, chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng: (i) cho phép người nộp đơn nhãn hiệu đang được xem xét được sử dụng và đăng ký yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với yếu tố có trong nhãn hiệu đối chứng và (ii) cam kết rằng sẽ không có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh và chịu mọi trách nhiệm về nội dung của việc cho phép này thì đã đủ cơ sở để giải quyết các tranh chấp về sau (nếu có) giữa hai nhãn hiệu hay không?
  • Một khi chủ nhãn hiệu đối chứng cấp Thư chấp thuận để một nhãn hiệu đang xem xét vượt qua từ chối thì sau đó họ có thể rút Thư chấp thuận đó hay không? Nếu có, việc rút Thư chấp thuận có ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bằng bảo hộ của nhãn hiệu đã được cấp?
  • Khi nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ trên cơ sở Thư chấp thuận của chủ nhãn hiệu đối chứng thì khi chuyển nhượng nhãn hiệu đó có cần sự đồng ý tiếp theo bằng văn bản của chủ nhãn hiệu đối chứng đối với việc chuyển nhượng này hay không?
  • Thư chấp thuận có phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức văn bản hoặc phải chứa nội dung bắt buộc hoặc phải theo mẫu do pháp luật quy định hay không?

Như vậy, với những nội dung khảo sát tương đối cụ thể và bám sát thực tiễn như trên, hy vọng và tin tưởng rằng hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng kiện toàn hơn, quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam sẽ nhanh chóng thuận tiện hơn, đảm bảo quyền lợi tối đa cho cả chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như người tiêu dùng.

INVESTIP sẽ tiếp tục cập nhật và chia sẻ thông tin để giúp Quý khách hàng và Quý đối tác về vấn đề này.

Trân trọng,

Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP