ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ & GIẢI PHÁP – NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

LIÊN HỆ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

1. Sáng chế là gì?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

(i) Sản phẩm:

– sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện, v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc

– sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen, v.v., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;

(ii) Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trìn, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

2. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực ở mọi quốc giá không?

Bằng độc quyền sáng chế là bằng độc quyền theo lãnh thổ. Nói chung, các quyền độc quyền chỉ được áp dụng tại quốc gia hoặc khu vực mà bằng độc quyền sáng chế đã được nộp và cấp văn bằng bảo hộ, phù hợp với các quy định pháp luật của quốc gia hoặc khu vực đó.

3. Ai có quyền đăng ký sáng chế?

Theo quy định tại Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng kí sáng chế:

a) Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại Điều 86a của Luật này;

c) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền đăng ký từ tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật;

d) Quyền đăng ký đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động;

đ) Quyền đăng ký đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, thì phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động;

Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Cách thức nộp đơn đăng ký sáng chế?

Theo quy định tại Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, đơn đăng ký sáng chế được nộp theo các cách thức sau.

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký sáng chế trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

– Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký sáng chế thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

Lưu ý rằng đơn đăng ký sáng chế được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

5. Các tài liệu cần thiết để nộp đơn đăng ký sáng chế?

Theo quy định hiện hành đối với sáng chế, các tài liệu cần thiết để nộp đơn đăng ký sáng chế bao gồm:

a) 02 tờ khai đăng ký sáng chế;

b) 02 bản mô tả (bao gồm phần mô tả, yêu cầu bảo hộ và bản vẽ (nếu có));

c) 02 bản tóm tắt;

d) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

đ) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

e) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

6. Các thời hạn nào liên quan đến đơn đăng ký sáng chế mà cần được lưu ý từ khi nộp đơn đến khi cấp văn bằng bảo hộ? Các thời hạn này có thể được gia hạn hay không và nếu có, làm thế nào để xin gia hạn các thời hạn này?

Các thời hạn liên quan đến đơn đăng ký sáng chế cần được lưu ý kể từ khi nộp đơn đến khi cấp bằng như sau:

i) Thời hạn nộp đơn

* Đơn PCT

– Thời hạn để nộp đơn PCT vào pha quốc gia tại Việt Nam là 31 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất (hoặc kể từ ngày nộp đơn quốc tế nếu đơn quốc tế không xin hưởng quyền ưu tiên).

– Thời hạn này không được ân hạn để nộp muộn đơn PCT vào pha quốc gia tại Việt Nam trừ trường hợp nộp muộn đơn do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, địch họa, các trở ngại khách quan như ốm đau, v.v.

* Đơn nộp theo công ước Paris

– Thời hạn để nộp đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo công ước Paris là 12 tháng kể từ ngày ưu tiên.

– Thời hạn này không được ân hạn để nộp muộn đơn PCT vào pha quốc gia tại Việt Nam trừ trường hợp nộp muộn đơn do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, địch họa, các trở ngại khách quan như ốm đau, v.v.

ii) Thời hạn nộp Giấy ủy quyền và Tài liệu ưu tiên

* Đơn PCT

– Thời hạn để nộp Giấy ủy quyền gốc là 34 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất (hoặc ngày nộp đơn quốc tế nếu đơn quốc tế không xin hưởng quyền ưu tiên). Thời hạn này không thể gia hạn.

– (Các) tài liệu ưu tiên không được yêu cầu.

* Đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo công ước Paris

– Thời hạn để nộp Giấy ủy quyền gốc là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn này không thể gia hạn.

– Thời hạn để nộp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên là 3 tháng kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn này không thể gia hạn.

iii) Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung

– Đối với đơn xin cấp bằng sáng chế, yêu cầu thẩm định nội dung cùng với phí thẩm định phải được nộp trong vòng 42 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất.

– Đối với đơn xin cấp bằng giải pháp hữu ích, yêu cầu thẩm định nội dung cùng với phí thẩm định phải được nộp trong vòng 36 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất.

– Thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung có thể được gia hạn thêm 6 tháng trong trường hợp ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, địch họa, các trở ngại khách quan như ốm đau, v.v.

iv) Các thời hạn trong quá trình theo đuổi đơn (nếu có)

Các thời hạn để bổ sung, sửa đổi hoặc phúc đáp ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ có thể được gia hạn một lần bằng đúng thời hạn đã được ấn định trong thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, với điều kiện người yêu cầu gia hạn phải nộp văn bản yêu cầu gia hạn trước ngày kết thúc thời hạn ấn định và nộp lệ phí yêu cầu gia hạn theo quy định.

Lưu ý: Đối với các thời hạn có thể ân hạn thì người nộp đơn phải nộp bằng chứng về các sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan cho Cục Sở hữu trí tuệ để xem xét và phê duyệt.

7. Làm thế nào để khôi phục quyền nộp đơn vào pha quốc gia ở Việt Nam đối với các đơn đã qua thời hạn nộp đơn?

Theo quy định tại Điểm 9.4 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, trong trường hợp đơn PCT đã qua thời hạn nộp đơn vào pha quốc gia Việt Nam, thì việc khôi phục lại quyền nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu chủ đơn có đơn yêu cầu và cung cấp bằng chứng xác đáng về việc sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan xảy ra trong thời hạn dẫn đến việc nộp đơn vào pha quốc gia không đúng thời hạn quy định và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận, sau khi xem xét.

8. Chi phí để nộp đơn đăng ký sáng chế là bao nhiêu?

Chi phí để nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:

– Số lượng điểm yêu cầu bảo hộ độc lập

– Số trang của bản mô tả

– Số đơn ưu tiên

– Số hình vẽ kèm theo tóm tắt

Cụ thể, theo Thông tư số 263/2016 / TT-BTC do Bộ Tài chính Việt Nam ban hành, phí và lệ phí quốc gia để việc nộp đơn đăng ký sáng chế như sau:

– Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ/đơn

– Phí thẩm định hình thức:

  • 180.000 VNĐ cho mỗi điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
  • 8.000 VNĐ cho mỗi trang từ trang thứ 7 của bản mô tả

– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000đ cho mỗi đơn ưu tiên

– Phí công bố đơn:

  • Đối với dữ liệu thư mục, tóm tắt và một hình vẽ: 120.000 VNĐ;
  • Phí công bố cho hình vẽ tiếp theo: 60.000 VND cho mỗi hình vẽ;

– Phí phân loại sáng chế (trường hợp người nộp đơn không tự phân loại): 100.000 VNĐ cho mỗi chỉ số phân loại ;

– Tra cứu và yêu cầu thẩm định nội dung (nếu nộp tại thời điểm nộp đơn)

  • 1.320.000 VNĐ cho mỗi điểm yêu cầu bảo hộ độc lập
  • 32.000 VNĐ cho mỗi trang từ trang thứ 7 của bản mô tả.

Còn về chi phí dịch vụ thì sẽ phụ thuộc vào bảng phí riêng của từng đại diện sở hữu công nghiệp, do vậy, để biết thêm chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

9. Các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế ở Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 58 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có tính mới;

b) Có trình độ sáng tạo;

c) Có khả năng ứng dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có tính mới;

b) Có khả năng ứng dụng công nghiệp

10. Các đối tượng nào không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế?

Theo quy định tại Điều 59 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

  1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
  3. Cách thức thể hiện thông tin;
  4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  5. Giống thực vật, giống động vật;
  6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
  7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
11. Các lưu ý về tính mới của sáng chế là gì? Có "thời gian ân hạn" về tính mới ở Việt Nam không và nếu có thì thời gian ân hạn này là bao lâu?

Theo quy đinh tại Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tiêu chí về tính mới bao gồm:

(i) Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên; hoặc chưa bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

(ii) Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

Quy định về “thời gian ân hạn” về tính mới của sáng chế ở Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và đơn đăng ký sáng chế phải được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ. Trong khoảng thời gian này, sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu nó được bộc lộ bởi chủ đơn hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ chủ đơn bộc lộ công khai.

12. Các lưu ý về trình độ sáng tạo của sáng chế là gì?

Theo quy định tại Điều 61 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành về trình độ sáng tạo của sáng chế thì:

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Một cách văn tắt, nếu một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực này mà dễ dàng nghĩ ra/tạo ra giải pháp thì giải pháp không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ sáng tạo và ngược lại.

13. Mô tả khung thời gian về quá trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế? Thông thường mất bao lâu để có được bằng độc quyền sáng chế?

Đơn đăng ký sáng chế sẽ được thẩm định hình thức, sau đó được công bố, và sau đó được thẩm định nội dung theo thời gian như sau.

i) Đơn PCT

– Đơn sẽ được thẩm định hình thức trong vòng 1-2 tháng kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ ba mươi hai từ ngày ưu tiên, nếu người nộp đơn không có văn bản yêu cầu vào giai đoạn quốc gia sớm hơn các thời hạn.

– Đơn sẽ được công bố sau hai tháng khi qua thẩm định hình thức.

– Theo quy định, thời gian thẩm định nội dung sẽ khoảng 18 tháng kể từ (i) ngày nộp yêu cầu thẩm định nội dung, nếu ngày yêu cầu thẩm định sau ngày công bố, hoặc (ii) ngày công bố, nếu ngày công bố muộn hơn.

ii) Đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo công ước Paris

– Đơn sẽ được thẩm định hình thức trong vòng 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn.

– Thông thường, đơn sẽ được công bố ở tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên.

– Theo quy định, thời gian thẩm định nội dung sẽ khoảng 18 tháng kể từ (i) ngày nộp yêu cầu thẩm định nội dung, nếu ngày yêu cầu thẩm định sau ngày công bố, hoặc (ii) ngày công bố, nếu ngày công bố muộn hơn.

Thường mất ít nhất 38 tháng kể từ ngày nộp đơn tại Việt Nam để có được bằng độc quyền sáng chế đối với trường hợp suôn sẻ.

14. Sự khác biệt giữa sáng chế và giải pháp hữu ích là gì?

Sự khác biệt giữa sáng chế và giải pháp hữu ích:

– Sáng chế yêu cầu về tính mới trên toàn thế giới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp, trong khi đó, giải pháp hữu ích chỉ yêu cầu về tính mới toàn thế giới, khả năng áp dụng công nghiệp và giải pháp hữu ích không yêu cầu là hiểu biết thông thường. (Trình độ sáng tạo được thay thế bởi “hiểu biết thông thường”).

– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực 20 năm kể từ ngày nộp đơn, trong khi đó giải pháp hữu ích có hiệu lực là 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

– Thời hạn thẩm định nội dung của đơn sáng chế là 42 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất, trong khi đó thời hạn này đối với đơn giải pháp hữu ích là 36 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất.

15. Hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế là bao lâu? Cần phải làm gì để duy trì hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế và các tài liệu cần thiết để thực hiện việc duy trì hiệu lực này?

Hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế là 20 năm kể từ ngày nộp đơn (hoặc ngày nộp đơn quốc tế đối với các đơn PCT). Trong khi đó, thời hạn hiệu lực của bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp và cần được duy trì hàng năm. Theo đó, phí duy trì năm thứ nhất được trả cùng với thời điểm nộp phí cấp bằng và thời hạn để trả phí duy trì cho năm thứ hai và các năm kế tiếp được tính theo ngày cấp bằng.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, trong vòng 6 tháng trước ngày kết thúc thời hạn hiệu lực của mỗi năm, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp yêu cầu duy trì hiệu lực. Điều đó có nghĩa trong trường hợp phí duy trì không được trả vào ngày đến hạn, bằng độc quyền sáng chế sẽ hết hiệu lực vào ngày đến hạn. Tuy nhiên, đơn duy trì hiệu lực có thể nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực và chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp thêm lệ phí duy trì hiệu lực muộn.

Trong trường hợp lệ phí duy trì hiệu lực được trả thông qua đại diện Sở hữu trí tuệ, tài liệu cần thiết để nộp yêu cầu duy trì hiệu lực bằng sáng chế là bản gốc Giấy ủy quyền để cho phép các đại diện Sở hữu trí tuệ thực hiện việc trả phí duy trì. Giấy ủy quyền này phải được lấy chữ ký trực tiếp và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không chấp thuận đối với Giấy ủy quyền có chữ ký photo. Giấy ủy quyền không cần thiết phải công chứng hoặc chứng thực. Hơn nữa, trong trường hợp bằng độc quyền sáng chế có nhiều chủ sở hữu thì chỉ cần cung cấp một Giấy ủy quyền của một chủ sở hữu.

16. Mô tả nguyên tắc nộp đơn đầu tiên ở Việt Nam?

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên của sáng chế được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:

– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

17. Tính thống nhất của đơn sáng chế là gì? Mô tả các yêu cầu đối với tính thống nhất của sáng chế?

Tính thống nhất của đơn sáng chế được xác định dựa trên các quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và điểm 23.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, trong đó:

– Đơn được coi là đáp ứng tính thống nhất nếu đơn yêu cầu bảo hộ cho một sáng chế duy nhất hoặc một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về mặt kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.

– Yêu cầu đối với tính thống nhất của sáng chế như sau:

a) Yêu cầu bảo hộ một đối tượng duy nhất, hoặc

b) yêu cầu bảo hộ một nhóm đối tượng có mối liên hệ kỹ thuật, thể hiện ý đồ sáng tạo chung duy nhất, thuộc các trường hợp sau đây:

(i) Một đối tượng dùng để tạo ra (sản xuất, chế tạo, điều chế) đối tượng kia;

(ii) Một đối tượng dùng để thực hiện đối tượng kia;

(iii) Một đối tượng dùng để sử dụng đối tượng kia;

(iv) Các đối tượng thuộc cùng một dạng, có cùng chức năng để bảo đảm thu được cùng một kết quả.

18. Thời hạn nộp sửa đổi tự nguyện và nộp đơn tách và các yêu cầu để thực hiện việc sửa đổi tự nguyên và nộp đơn tách này?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ đơn có thể nộp sửa đổi, bổ sung đơn hoặc tách đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định từ chối chấp nhận đơn/từ chối cấp văn bằng bảo hộ, hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

– Đối với sửa đổi, bổ sung đơn, các yêu cầu sau đây cần được lưu ý:

(i) bản thuyết minh sửa đổi chi tiết các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được bổ sung kèm theo bản so sánh với bản mô tả ban đầu.

(ii) Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng không được mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn.

– Đối với đơn tách, các yêu cầu sau đây cần được lưu ý:

(i) Về nguyên tắc, khi nộp đơn tách, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu chỉ rõ phần minh họa cho phần yêu cầu bảo hộ của đơn tách là ở đâu trong bản mô tả ban đầu của đơn gốc.

(ii) Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có)

(iii) Đối với mỗi đơn tách, chủ đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

19. Thời hạn nộp yêu cầu ghi nhận thay đổi thông tin liên quan đến chủ đơn của đơn đăng ký sáng chế và các yêu cầu để thực hiện việc ghi nhận thay đổi này? (ví dụ, thay đổi tên/địa chỉ chủ đơn, chuyển nhượng đơn đăng ký sáng chế)

Theo quy định tại Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn hoặc thay đổi người nộp đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Yêu cầu ghi nhận việc thay đổi phải được lập thành văn bản theo mẫu kèm theo các tài liệu sau:

(1) Giấy ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện SHCN);

(2) Tài liệu xác nhận việc thay đổi (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền), trong đó:

– Đối với việc thay đổi chủ đơn trên cơ sở chuyển nhượng, tài liệu xác nhận việc thay đổi là tài liệu chuyển nhượng có thể hiện rõ tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; và số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó.

– Đối với việc thay đổi khác về thông tin về chủ đơn, tài liệu xác nhận việc thay đổi có thể là tài liệu thể hiện sự thay đổi được xác nhận bởi cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền.

20. Khi nào đơn đăng ký sáng chế có thể chuyển đổi thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích và ngược lại, và các yêu cầu đối với việc chuyển đổi đơn này?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Chủ đơn có thể chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích và ngược lại trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định từ chối chấp nhận đơn/từ chối cấp văn bằng bảo hộ, hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

Các yêu cầu để thực hiện việc chuyển đổi đơn là chủ đơn phải nộp yêu cầu chuyển đổi đơn, tờ khai nộp đơn, phí và lệ phí nộp đơn đối với đơn chuyển đổi theo quy định.

21. Khi nào thì bên thứ ba có thể nộp đơn phản đối? Các căn cứ để phản đối đơn đăng ký sáng chế là gì?

Theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 112a của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong vòng chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

* Các căn cứ để phản đối đăng ký đơn sáng chế như sau:

– Sáng chế không đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng cấp bằng sáng chế;

– Người nộp đơn không phải là người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế; và

– Không có sự đồng ý để chỉ nộp một đơn đăng ký sáng chế giữa những người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp có nhiều người có quyền nộp đơn.

22. Trong trường hợp đã có Bằng độc quyền sáng chế, thì tính từ từ khi nào chủ sở hữu có quyền đối với sáng chế?

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Do đó, trong trường hợp đã có Bằng độc quyền sáng chế thì thời điểm chủ sở hữu có quyền độc quyền đối với sáng chế là từ ngày cấp bằng độc quyền sáng chế.

Hỏi đáp về đăng ký Sáng chế và giải pháp

Giải đáp các vướng mắc, tư vấn các giải pháp tối ưu

Xem thêm

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Sáng chế và giải pháp

Giải đáp các vướng mắc, tư vấn các giải pháp tối ưu

Xem thêm

Quy trình nộp đơn Sáng chế và giải pháp

Giải đáp các vướng mắc, tư vấn các giải pháp tối ưu

Xem thêm

TẠI SAO NÊN CHỌN DỊCH VỤ ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ VÀ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

Kết nối với cục Sở hữu trí tuệ

Chúng tôi kết nối trực tiếp với cục Sở hữu trí tuệ và các thẩm định viên, đảm bảo tính thông suốt và cập nhật liên tục

Quy trình nghiêm ngặt

Chúng tôi có các quy trình nội bộ nghiêm ngặt bằng các công cụ tiên tiến đáp ứng các yêu cầu của khách hàng

Chất lượng công việc

Mọi quy trình đều đảm bảo hai bước soạn thảo và kiểm tra, đảm bảo tính thống nhất và chất lượng công việc đặt lên hàng đầu

Ứng dụng công nghệ

Tất cả các bản dịch được chủ động quản lý sử dụng phần mềm dịch thuật tốt nhất để kiểm soát các bản dịch

Công cụ quản lý công việc

Tất cả công việc và các vấn đề liên quan, như quản lý thời hạn và kiểm tra xung đột, được xử lý với sự hỗ trợ của một phần mềm chuyên dụng

Tra soát nghiêm ngặt

Chúng tôi xem xét cẩn thận trước khi nộp hồ sơ để tư vấn cho khách hàng. Tránh phát sinh chi phí không cần thiết

Bạn cần tư vấn đăng ký

Bạn vui lòng gửi thông tin liên hệ.

Các chuyên gia của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn sớm nhất có thể.

Liên hệ