Ngày 25/3, tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục sở hữu trí tuệ dành cho học sinh phổ thông tại Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức, bà Tedla Altaye, Trưởng bộ phận đào tạo trực tuyến Học viện WIPO, cho biết, sở hữu trí tuệ không chỉ là một quyền hay cơ chế bảo hộ, nó còn là một khía cạnh của sự sáng tạo.

Sở hữu trí tuệ là bạn đồng hành của đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa: Getty
Nhiều ý tưởng xuất sắc gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường hoặc có nguy cơ bị mất, bị sao chép mà không xin phép… Nếu không có sự bảo hộ, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ bị kìm hãm.
Theo bà Tedla Altaye, đổi mới sáng tạo là xương sống của sự tiến bộ, còn sở hữu trí tuệ là bạn đồng hành tốt nhất của đổi mới sáng tạo. Đó là lý do tại sao cần đưa nội dung đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp vào các môn học khác nhau từ ngay cấp độ học nhỏ tuổi. Bằng cách này, chúng ta trao quyền cho thế hệ các nhà đổi mới sáng tạo tương lai để dần phát triển một tư duy sáng tạo và học cách khai thác ý tưởng của họ vì những lợi ích kinh tế.
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết tại Việt Nam, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông là một vấn đề mới, chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên.
Để triển khai hiệu quả hoạt động trên, Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các cơ quan hữu quan rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng đã đặt ra trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Tin đăng KH&PT số 1337 (số 13/2025)
Phương Liên
Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển