Chính phủ Indonesia sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng, các tổ chức tài chính khác công nhận những sản phẩm sở hữu trí tuệ là một dạng tài sản đảm bảo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã ban hành Quy định của Chính phủ (PP) số 24/2022 liên quan đến Nền kinh tế sáng tạo, trong đó thông qua quy định cho phép sử dụng các video bản quyền trên Youtube làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng và tổ chức tài chính khác.
Theo Quy định 24/2022, Chính phủ Indonesia sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng, các tổ chức tài chính khác công nhận những sản phẩm sở hữu trí tuệ là một dạng tài sản đảm bảo.
Điều này có nghĩa các sản phẩm sở hữu trí tuệ như phim và bài hát đăng tải trên kênh youtube có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản nợ đối với ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.
Theo đó, ít nhất 17 phân ngành kinh tế sáng tạo ở Indonesia có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng, bao gồm như phát triển trò chơi, kiến trúc, thiết kế nội thất, âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế sản phẩm và thời trang.
Tiếp đó là các lĩnh vực liên quan tới ẩm thực, phim hoạt hình và video, nhiếp ảnh, thiết kế truyền thông hình ảnh, truyền hình và đài phát thanh, thủ công quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản và các ứng dụng.
Trên thực tế, nhiều video được đăng tải lên kênh Youtube thu hút nhiều lượt xem cũng có thể là một khoản thu nhập tài chính đảm bảo đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Sau khi Quy định 24/2022 được thông qua, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, chuyên gia kinh tế cấp cao Josua Pardede của Bank Permata cho biết, thách thức chính trong việc đưa các tác phẩm sáng tạo làm tài sản đảm bảo là tiêu chuẩn hóa các đánh giá, có thể có sai lệch lớn. Theo ông Josua Pardede, một số sản phẩm có thể được đánh giá dễ dàng như bài hát/âm nhạc, trò chơi… dựa trên hiệu quả bán hàng các sản phẩm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đang trong quá trình hoàn thiện, có thể xuất hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các công ty, tập đoàn, cá nhân có thể tiến hành nhiều biện pháp để ngăn cản đối thủ công bố sở hữu một sản phẩm.
Ông Josua Pardede cho rằng ‘Cho đến nay, luật sở hữu trí tuệ tại Indonesia chưa đủ mạnh, do đó, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trước mắt sẽ không công nhận các sản phẩm sở hữu trí tuệ là một dạng tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm bản quyền vẫn có khả năng xảy ra, từ đó làm giảm giá trị của các tác phẩm sáng tạo’.
Trong khi đó, Thư ký công ty của Ngân hàng PT Bank Negara Indonesia (BNI) Mucharom cho rằng, BNI ủng hộ quy định mới của Tổng thống Jokowi vì đây là chính sách có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ông Mucharom cho biết, ‘BNI chắc chắn rất ủng hộ PP số 24/2022, trong đó tài sản trí tuệ có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản nợ. Vì vậy, đây là cơ hội để những sản phẩm sáng tạo có thể huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính nhằm mở rộng quy mô’. Tuy nhiên, vẫn cần sự chắc chắn về các chứng chỉ Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) theo luật định.
Đồng quan điểm trên, đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng tại Indonesia Hanung Bramantyo hoan nghênh quy định mới của Tổng thống Jokowi cho phép tài sản trí tuệ, chẳng hạn như phim và bài hát, được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.
Ông Hanung cho biết, ‘Tôi thực sự ủng hộ nếu chính phủ đưa ra cách quy định điều chỉnh các quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng phim ảnh, tiểu thuyết, tranh vẽ hoặc các tác phẩm nghệ thuật khác có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng để thực hiện các hoạt động kinh tế khác’.
Các tác phẩm nghệ thuật như phim, tranh, bài hát… vẫn có thể tiếp tục tạo ra tiền ngay cả sau khi tác giả của những sản phẩm trí tuệ đã sang bên kia thế giới.
Hiện nay, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, việc sử dụng các công trình kinh tế sáng tạo cũng có thể được sử dụng làm bảo lãnh nợ.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam