Ký tên lên tác phẩm tranh sao chép có vi phạm bản quyền?

You are currently viewing Ký tên lên tác phẩm tranh sao chép có vi phạm bản quyền?

Mới đây dư luận đang xôn xao về việc họa sĩ Lê Thế Anh tố “Phù thủy vẽ tranh” ở Vietnam’s got talent – Phạm Hồng Minh sao chép hai bức tranh của anh và ký tên lên đó. Vậy theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc tự ý ký tên lên tác phẩm tranh vẽ có vi phạm bản quyền?

Họa sĩ Phạm Hồng Minh bị tố sao chép và ký tên lên tranh nhái

Họa sĩ Lê Thế Anh – Giảng viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội bày tỏ bức xúc khi hai tác phẩm “Lì xì nhé” và “Cô gái Dao đỏ” do anh sáng tác bị họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh sao chép và ký tên lên.

Theo họa sĩ Lê Thế Anh, bức “Lì xì nhé”, kích thước 80×85 cm, chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 2016. Tranh từng được trưng bày tại triển lãm “Chào xuân” dịp đầu năm 2017. Bức “Cô gái Dao đỏ”, vẽ năm 2013, kích thước 75×90 cm. Hai tác phẩm đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được bán cho nhà sưu tầm.

Về phía Phạm Hồng Minh, anh khẳng định không sao chép mà mua bức tranh. Khi đã mua, tranh thuộc quyền sở hữu của anh. Vì vậy, anh muốn viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền cá nhân.

Bức “Lì xì nhé” bản gốc (trái) và chép (phải). Theo họa sĩ, bức Lì xì nhé, kích thước 80×85 cm, chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 2016. Tranh từng được trưng bày tại triển lãm Chào xuân dịp đầu năm 2017.

Tác phẩm “Cô gái Dao đỏ” bản gốc (trái) và chép (phải). Theo họa sĩ Thế Anh, bức “Cô gái Dao đỏ”, vẽ năm 2013, kích thước 75×90 cm.

Giới chuyên môn nói gì?

Nhiều năm qua, hiện tượng tranh giả, tranh chép được thực hiện rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, gallery là điều không phải xa lạ.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng phải thốt lên: “Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nộ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép…

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Điều này làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả”.

Tuy nhiên, khi thực trạng này tràn lan, tranh chép cần tuân thủ quy định khác kích thước tranh gốc và không được ký tên vào tranh. Đặc biệt, việc tranh chép được thực hiện cho mục đích kinh doanh thì người bán phải được sự đồng ý của tác giả bản gốc.

“Tất cả tranh được gọi là tranh chép đều dựa trên bản gốc để vẽ và theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng bức tranh đó phải nhỏ hơn hoặc to hơn tranh gốc và chắc chắn không được ghi tên. Những tranh không có tên mọi người biết ngay đó là tranh chép”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay.

Pháp luật quy định như thế nào?

Tác phẩm tranh vẽ là một trong những loại hình tác phẩm được tạo nên từ các đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục. Tác phẩm này được xếp vào loại tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng và được pháp luật công nhận, bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (Luật SHTT). Theo đó, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm này có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định của Luật SHTT.

Trường hợp ký tên lên tác phẩm được hiểu là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh. Khoản 4 Điều 19 Luật SHTT nêu rõ, quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là một trong các quyền nhân thân gắn liền với tác giả và không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm dù là chủ sở hữu tác phẩm (không phải tác giả).

Quyền trên được bảo hộ vô thời hạn theo quy định của khoản 1 Điều 27 Luật SHTT. Như vậy, tất cả mọi trường xâm phạm quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 thì đều có thể bị xử lý xâm phạm bản quyền tác giả. 

Vi phạm bản quyền có thể bị truy cứu hình sự, bồi thường thiệt hại

Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm liên quan đến mỹ thuật, hội hoạ. Do đó, mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định.

Về xử phạt vi phạm hành chính đang áp dụng quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 129/2021/NĐ-CP.

Theo đó, căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật.

Đối với hành vi nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả trên bản sao tác phẩm, xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm, căn cứ Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch, buộc sửa lại đúng tên tác giả trên bản sao tác phẩm có thông tin sai lệch.

Về xử lý hình sự, trong trường hợp cố ý sao chép tác phẩm và phân phối đến công chúng với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng (thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng trở lên; hàng hoá vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên), người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật hình sự) và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Pháp nhân thương mại nếu có một trong những hành vi nêu trên mà thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300 triệu đồng trở lên, hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.