Nhiều giải pháp đã được đề xuất tại hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mekong” tại Bạc Liêu ngày 10-2, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình sản xuất lúa tôm ở vùng bán đảo Cà Mau thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo (do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức) nhiều chuyên gia đánh giá cao mô hình lúa tôm do hiệu quả mang lại cho nông dân.
Mô hình này đã giới thiệu được những sản phẩm nông sản, lúa và tôm sạch, tạo tiền đề cho việc xây dựng các thương hiệu nông sản trong tương lai.
Tuy nhiên, về lâu dài, các mô hình lúa tôm cần được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng hiệu quả, mở rộng mô hình.
Phải xây dựng được thương hiệu
PGS.TS Dương Nhựt Long (trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, khoa thủy sản Trường đại học Cần Thơ) cho biết qua quá trình 6 năm nghiên cứu thực tế mô hình lúa tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cho thấy lợi nhuận người dân thu được từ mô hình lúa tôm khoảng 90 triệu đồng/ha/năm (ở Cà Mau, Bạc Liêu), thậm chí ở huyện An Biên (Kiên Giang) là 131 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với chuyên canh lúa.
Tuy nhiên, nuôi tôm trên đất lúa mới chỉ là “được”, nhưng nếu muốn hướng tới nền sản xuất hàng hóa, cần phải tính lại chiến lược.
“Nên tiếp tục khai thác mô hình này vì nó rất tuyệt vời nhưng cần thay đổi tư duy và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản phẩm ngoài lúa xuất khẩu rồi thì tôm cũng xuất khẩu, đặc biệt là tôm càng xanh. Muốn vậy, cần có hệ thống ao vèo, khi khô hạn, nắng nóng, độ mặn tăng cao, bà con không có nước ở ruộng thì nước ao vèo sẽ điều tiết. Biến đổi khí hậu không có gì phải sợ, nhưng đòi hỏi nhận thức thay đổi”, ông Long đề xuất.
Theo ông Dương Thành Trung, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình lúa tôm đang phát triển rất tốt, đặc biệt là kể từ khi có giống lúa ST24, ST25.
Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần làm tốt 3 vấn đề. Thứ nhất là ngành nông nghiệp phải có mô hình, ít nhất mỗi ấp phải có 1 mô hình để người nông dân được “mắt thấy tai nghe”, rồi dần dần nhân rộng ra nhiều mô hình.
Thứ hai là phải có tổ chức cho người nông dân, không để tự bươn chải, làm một mình là không hiệu quả. Theo ông Trung, “phải có hợp tác xã, tổ sản xuất mà tốt hơn nữa là hội quán chỗ anh Sáu Hoan (bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan) đã làm”.
Cuối cùng, phải có cơ chế của Nhà nước, phải có chính sách hỗ trợ để nông dân làm mô hình. Đặc biệt, cần tiến tới xây dựng thương hiệu cho lúa tôm vùng bán đảo Cà Mau, nhưng không để cho người dân làm, Nhà nước làm mà buộc phải có doanh nghiệp.
“Lúa tôm ai cũng muốn phát triển xa hơn, mạnh hơn, muốn làm được phải có thương hiệu và chính quyền phải nắm tay cho được doanh nghiệp đến với người dân”, ông Trung nói.
Cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp…
Sản xuất hữu cơ là hướng đi mà nhiều đại biểu đề xuất phải nâng lên một tầm cao mới đối với mô hình lúa tôm.
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua – “cha đẻ” gạo ngon nhất thế giới – lưu ý cần tránh ngộ nhận lúa trồng trên vuông tôm là lúa hữu cơ, lúa an toàn vì “ngon thì có ngon, nhưng còn an toàn hay không thì còn tùy”.
Ông Cua cho biết vừa lấy 5 mẫu từ vùng trồng lúa, kéo dài từ Phước Long (Bạc Liêu) tới khu vực Cái Lớn (Kiên Giang), có đến 4 mẫu có những vượt chuẩn cho phép.
Theo ông Cua, khả năng nhiễm thuốc trị nấm bệnh cho cây lúa trên vuông tôm rất cao. “Ở Bạc Liêu đã có 40.000ha lúa tôm, nhưng cũng chỉ chừng 30% thôi, tiềm năng còn, quan trọng là không đi vào vết xe cũ chúng ta là lúa vi phạm an toàn thực phẩm. Nếu có xây dựng chương trình phát triển lúa tôm để xây dựng thương hiệu sau này thì tránh trường hợp vượt tiêu chuẩn như trên”, ông Cua cảnh báo.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Tập đoàn Nam miền Trung, đề nghị cơ quan nhà nước chuyên ngành phải có một khảo sát rất cụ thể về sản lượng, mô hình, quy hoạch, giá trị một cách rất tổng thể để cho việc phát triển mô hình này.
“Sau khi có khảo sát thì cung cấp thông tin đó đến các địa phương trong vùng để họ biết còn bao nhiêu diện tích nuôi tôm, diện tích trồng lúa để có quy hoạch rất cụ thể”, ông Hoàng Anh đề xuất.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng khi đã định vị thương hiệu lúa thơm, tôm sạch vùng Mekong, hướng tới mục tiêu như nêu trên thì cấu trúc, tổ chức, hệ thống ngành nông nghiệp và những ngành khác hỗ trợ ngành nông nghiệp phải khác.
“Hệ thống khuyến nông khác, hệ sinh thái khác gồm các nhà khoa học, viện, trường, hệ sinh thái hợp tác xã, nông dân… phải khác vì mục tiêu khác, kỳ vọng khác, nên phải tổ chức lại. Cái này cơ quan của bộ phải giúp các địa phương. Không thể thực tế nở nồi mà mặc áo chật…”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, chính các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu, làm đầu tiên chứ không phải hết cách rồi mới làm.
“Chúng ta phải làm thương hiệu từ chính cảm xúc và niềm tự hào với sản phẩm của mình. Việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ những đúc kết, những câu chuyện được khắc họa một cách dễ hiểu nhất. Gạo Ông Cua là một điển hình lý ra phải được đặt tên làm thương hiệu đầu tiên chứ không phải hết cách rồi mới đặt tên Gạo Ông Cua”, ông Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn