Luật sở hữu trí tuệ: Có nên quy định danh mục nhãn hiệu nổi tiếng?

  • Post category:Tin tức

 

 

Ngày 9-10, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sở hữu trí tuệ. Một trong những nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm thảo luận là việc bảo hộ với nhãn hiệu nổi tiếng.

Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ – Ảnh: U.L

3 điều trong cùng 1 luật mâu thuẫn nhau

PGS.TS Vũ Thị Hải Yến – giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội – nhận xét pháp luật quốc tế đều đưa khái niệm tác giả, đồng tác giả vào luật, nhưng ở Việt Nam hiện nay khái niệm này chỉ quy định ở văn bản dưới luật, gây ra sự khập khiễng.

Thời gian gần đây có rất nhiều tranh chấp liên quan đến tác giả, đồng tác giả đã được tòa án xét xử như vụ Thần đồng đất Việt, vụ tranh chấp thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ… Song quy định hiện hành chỉ đưa ra 1 tiêu chí để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”. 

Và với quy định này, chưa phân biệt được đồng tác giả với tập thể tác giả, chưa xác định được việc thực hiện các quyền giữa các đồng tác giả như thế nào.

“Ví dụ, A là lập trình viên ở công ty lập trình X, A nhận làm thêm lập trình cho công ty Y, A sử dụng thời gian, máy móc của công ty X để làm, thì ai sẽ là chủ sở hữu trong trường hợp này” – bà Yến dẫn chứng. 

Bà Yến cho rằng điều 37, điều 38 có mâu thuẫn với điều 39 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT). Nếu áp dụng 2 quy định này sẽ dẫn đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau, không thể giải quyết được.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan, vốn là quy định hoàn toàn mới. Trước đây Luật SHTT không có quy định này nên gây ra nhiều bất cập, khó khăn khi tác giả muốn thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình. 

Đặc biệt đối với trường hợp tác phẩm không được đăng ký, tác giả không có căn cứ để chứng minh tư cách chủ sở hữu và khó yêu cầu các cơ quan thực thi biện pháp ngăn chặn, xử lý những chủ thể vi phạm.

Tuy nhiên, theo bà Yến, việc sửa đổi này vẫn còn khiếm khuyết, kiến nghị cần phải mở rộng quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan, không chỉ sử dụng trong vấn đề thực thi mà có thể áp dụng ngay khi tác phẩm được công bố.

Tranh cãi việc xây dựng danh mục nhãn hiệu nổi tiếng

Một trong những nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm thảo luận là việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nam Giang – giám đốc Trung tâm SHTT (Trường ĐH Luật TP.HCM), thực trạng về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay đang có một số bất cập. 

Cụ thể là thiếu quy định về trình tự, thủ tục công nhận 1 nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng. Tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại điều 75 Luật SHTT chưa phù hợp để áp dụng, thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng.

Theo bà Giang, việc nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng luôn luôn là điều mà bất kỳ một doanh nghiệp, một tổ chức nào đều mong muốn và phấn đấu. Vì nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ một cách tự động mà không cần tiến hành thủ tục đăng ký, với một phạm vi bảo hộ rất rộng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ.

Trong hơn 15 năm thi hành Luật SHTT chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, cũng chưa có một danh mục nhãn hiệu nổi tiếng nào được thiết lập.

Bà Giang cho rằng Luật SHTT đưa ra 8 tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không có tiêu chí nào bắt buộc, dẫn đến việc hiểu rằng bắt buộc phải đáp ứng cả 8 tiêu chí, nên đề xuất tách thành 2 nhóm bắt buộc và tham khảo.

Bà Giang cũng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hiện tại thì nên xây dựng 1 danh mục về nhãn hiệu nổi tiếng bởi đặc thù bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là bảo vệ thụ động, trong trường hợp có hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh – trưởng khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội – cũng cho rằng khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay chưa phù hợp với pháp luật quốc tế. Hiện nay có 8 tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên việc liệt kê mang tính chất kín như vậy gây khó khăn cho các chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, trong khi đó việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng rất linh hoạt, dựa trên thông tin đa dạng.

Ngược lại, TS Trần Lê Hồng – phó cục trưởng Cục SHTT – cho rằng công nhận nhãn hiệu nổi tiếng như một kiểu quy chế pháp lý đối với nhãn hiệu đó, không hạn chế về thời gian. Điều này dẫn đến chuyện khi thừa nhận rồi thì có đưa ra khỏi danh mục không và khi đưa ra khỏi danh mục thì phải có quy trình loại bỏ nó.

Nhãn hiệu nổi tiếng cần được công nhận ở một thời điểm nhất định và trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu cho rằng nhãn hiệu của mình nổi tiếng thì phải chứng minh.

Cần có luật mới chứ không tiếp tục “sửa đổi, bổ sung”

PGS.TS Bùi Xuân Hải – phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM – đánh giá Luật SHTT 2005 là đạo luật rất quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt – là tài sản trí tuệ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau 15 năm thi hành, đến nay Luật SHTT 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, một số quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế, có sự mâu thuẫn, chồng chéo với một số đạo luật mới ban hành… nên cần phải được sửa đổi, bổ sung ở mức độ lớn.

PGS.TS Bùi Xuân Hải cho rằng Quốc hội nên cân nhắc để ban hành Luật SHTT sửa đổi hoặc Luật SHTT 2022 thay vì chỉ ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT bởi vì tính chất và quy mô sửa đổi bổ sung lần này là khá lớn (trên 42% các điều của luật).

Hơn nữa Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019, lần thứ 3 này có mức độ sửa lớn hơn cho nên cần phải thay đổi về tên gọi thì sẽ hợp lý hơn, thuận tiện hơn trong trích dẫn, tuyên truyền và thi hành luật, và đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay thì người nước ngoài sẽ dễ hiểu.

Nguồn: tuoitre.vn