Luật sở hữu trí tuệ ( Intellectual Property Laws) Hoa Kỳ phần I: Thương hiệu (Trademark) – Kỳ 3

  • Post category:Tin tức

Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về các khái niệm thương hiệu thuộc luật Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ: Aesthetic functionality; Allegation of Use for Intent-to-Use Application, With Declaration; Anticybersquatting Consumer Protection Act (ACPA) Allegation of Use for Intent-to-Use Application. Sau đây là các khái niệm tiếp theo:

Arbitrary Mark (Dấu hiệu chuyên biệt)

Là từ ngữ, cụm từ được sử dụng làm thương hiệu cho một hàng hóa, dịch vụ, nhưng bản thân ý nghĩa của từ ngữ, cụm từ đó chắng liên quan gì đến đặc tính hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ đó, ví dụ như doanh nghiệp đặt tên “Tèo” cho sản phẩm bột giặt của mình… Những thương hiệu loại này thường được quyền bảo hộ thương hiệu cao nhất. Vậy nên, doanh nghiệp rất được khuyến khích sử dụng các Arbitary Mark để làm thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình.

Assignment of Mark (chuyển quyền bảo hộ thương hiệu)

Là việc chuyển quyền sở hữu thương hiệu và những lợi ích kèm theo cho người chủ mới. Assignment of Mark thường xảy ra khi mua bán doanh nghiệp, hay khi doanh nghiệp bị phá sản, hay dùng để thế chấp vay vốn…

Luật về thương hiệu Hoa Kỳ quy định việc chuyền quyền bảo hộ thương hiệu phải làm thành văn bản, và phải đăng ký sự thay đổi cho USPTO thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, USPTO chỉ ghi nhận việc chuyển quyền bảo hộ mà không có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của văn bản chuyển quyền (hợp đồng, thỏa thuận). Vậy nên, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý trong khâu soạn thảo hợp đồng, thỏa thuận chuyển quyền bảo hộ sao cho phù hợp với quy định về luật hợp đồng của tiểu bang nơi diễn ra giao dịch.

Attorney Fees in Trademark Infringement Actions

Thông thường trong một vụ kiện về thượng hiệu, thì mỗi bên phải có trách nhiệm trả phí luật sư cho luật sư của mình, cho dù có thắng hay thua kiện. Loại vụ kiện này khác với vụ kiện thông thường khác, là biên thua kiện phải trả phí luật sư cho luật sư của bên thắng kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tòa án có thể buộc phía bị đơn phải trả phí luật sư cho luật sư phía nguyên đơn nếu bị đơn cố ý vi phạm, liên tục vi phạm, và cố ý bôi nhọ uy tín của bên nguyên đơn; hoặc là trong trường hợp vi phạm hợp đồng về nhượng quyền thương mại (franchise…).

Average Reasonably Prudent Consumer

Là phương pháp mà tòa án thường hay sử dụng để xác định có sự vi phạm thương hiệu xảy ra hay không trong một vụ tranh chấp về vi phạm thương hiệu. Theo phương pháp này, tòa án, đứng ở góc độ là một khách hàng bình thường (có nhận thức bình thường, không bị hạn chế bởi bệnh tật…) có bị nhầm lẫn giữa các thương hiệu đang tranh chấp hay không. Nếu khách hàng có sự nhầm lẫn, thì có thể đã có sự vi phạm thương hiệu xảy ra. Việc đánh giá có sự nhầm lẫn cho khách hàng xảy ra hay không là rất hữu ích cho tòa án trong việc quyết định có hay không thương hiệu vi phạm gây ra sự nhầm lẫn hay định hướng sai đối với công chúng; và thương hiệu bị vi phạm có được phân biệt đủ rõ ràng để được tòa án bảo vệ quyền thương hiệu hay không.

Trong thực tiễn hoạt động xét xử việc tranh chấp vi phạm thương hiệu, để chứng minh các nội dung này, cả bên nguyên đơn và bên bị đơn thường tiến hành trưng cầu công chúng (poll) để biết có sự nhầm lẫn xảy ra hay không nhằm hỗ trợ cho “lẽ phải” của bên mình.

Award, Use of Trademark in Rating or

Là khái niệm về việc doanh nghiệp có thể sử dụng những câu khen thưởng, hình ảnh trong những giải thưởng được cấp bởi các tổ chức cho doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để theo vào trong nội dung quảng cáo thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Thông thường, những hình ảnh, câu khen thưởng này được bảo vệ theo luật về bản quyền (copy right) hay thương hiệu (trademark), vậy nên, doanh nghiệp cũng cần phải xin phép tổ chức trước khi quảng cáo.

Bureau of Customs and Border Protection (CBP)

Là cơ quan Hải quan và Biên phòng liên bang. Cơ quan này cũng có chứng năng chống lại việc vi phạm thương hiệu xuyên biên giới. Thông thường, USPTO sẽ không tự động cập nhật thông tin đăng ký thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ cho CBP, do vậy, doanh nghiệo nếu muốn được CBP bảo vệ quyền thương hiệu của mình, thì phải gởi thông báo kèm với bản sao giấy xác nhận đăng ký thương hiệu cho CBP. Sau khi CBP đã ghi vào sổ theo dõi, thì nếu có hàng hóa nào xuất nhập khẩu vào ra Mỹ mà có dấu hiệu vi phạm thương hiệu, thì sẽ bị CBP bắt giữ, xử phạt và tiêu hủy.

Cancellation of Registration

Là việc người chủ sở hữu thương hiệu gởi đơn cho USPTO để xin hủy việc bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký bảo hộ thương hiệu trước đó.

Có nhiều lý do để doanh nghiệp xin hủy việc bảo hộ thương hiệu, nhưng phổ biến nhất vẫn là việc doanh nghiệp dừng hoạt động do giải thể hay phá sản, hay là do doanh nghiệp không còn sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ đó nữa…

Certificate of Registration

Là giấy chứng nhận của USPTO về việc một sản phẩm, dịch vụ đã được chính thức đăng ký bảo hộ thương hiệu. Trên giấy chứng nhận có thể hiện đầy đủ các thông tin, dấu hiệu được bảo hộ và ngày mà thương hiệu được sử dụng lần đầu tiên, cũng như các thông tin về chủng loại hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ thương hiệu, số, thời hạn bảo hộ, các hạn chế (nếu có).

Nguồn: https://flatworld.com.vn/luat-so-huu-tri-tue-hoa-ky-thuong-hieu-ky-3/