Mâu thuẫn trong pháp luật Việt Nam về thời hạn trả lời thông báo từ chối tạm thời nhãn hiệu quốc tế nộp qua hệ thống Madrid

Mục đích ra đời của cơ chế đăng ký nhãn hiệu quốc tế là nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chủ đơn đăng ký nhãn hiệu, giảm thiểu chi phí và thời gian cho việc đăng ký một nhãn hiệu tại nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Theo cơ chế này, các nước/vùng lãnh thổ cùng nhau lập ra một liên minh, trong đó chủ một nhãn hiệu tại một nước thành viên (hoặc Bên tham gia) có thể đăng ký nhãn hiệu của mình tại một số hoặc tất cả các thành viên (hoặc Bên tham gia) bằng cách nộp một đơn duy nhất (đơn quốc tế) cho cơ quan có thẩm quyền mà không cần phải nộp vào mỗi bên tham gia một đơn riêng lẻ.[1] Cơ chế đăng ký này dựa trên: Thỏa ước Madrid về đăng kí quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hóa có hiệu lực từ năm 1891; Nghị định thư liên quan đến thỏa ước Madrid được thông qua năm 1989 có hiệu lực từ ngày 01/12/1995 và quy chế thi hành Thỏa ước và nghị định thư có hiệu lực từ ngày 01/04/1996 – được gọi chung là đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid (Việt Nam đã tham gia Thỏa ước vào ngày 8/3/1949 và Nghị định thư vào ngày 16/7/2006). Sự ra đời của việc đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại các nước thành viên nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Tại Việt Nam, trên cơ sở quá trình xét nghiệm nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid được chỉ định tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ ra quyết định chấp nhận bảo hộ đăng ký quốc tế (trường hợp Cục SHTT đồng ý bảo hộ nhãn hiệu) hoặc thông báo tạm thời từ chối đối với nhãn hiệu quốc tế được chỉ định tại Việt Nam (trường hợp Cục SHTT có dự định từ chối 1 phần/toàn bộ nhãn hiệu), đồng thời ấn định 1 khoảng thời gian để chủ đơn có ý kiến sửa đổi, giải trình, sửa chữa những thiếu sót liên quan đến nội dung từ chối (nếu có). Tuy nhiên, thời hạn được ấn định để chủ đơn có ý kiến trả lời đối với thông báo tạm thời từ chối nêu trên theo các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn đang có sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn khác nhau, dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người nộp đơn. Cụ thể, trong các thông báo dự định từ chối đối với nhãn hiệu được chỉ định tại Việt Nam theo hệ thống Madrid do WIPO chính thức gửi tới người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, thời hạn yêu cầu xem xét lại sẽ là 3 tháng kể từ ngày Cục SHTT gửi thông báo (Time limit for requesting review: 3 months from the sending date of this notification by NOIP). Các nội dung cụ thể tại trang đầu của thông báo liên quan tới thời hạn trả lời thông báo từ chối bao gồm: (1) Date on which the notification was sent to WIPO: (Ngày thông báo được gửi tới WIPO); (2) Date of receipt by WIPO: (Ngày WIPO nhận được thông báo); (3) Date of notification by WIPO to the holder: (Ngày WIPO thông báo cho người nộp đơn). Các quy định trong pháp luật Việt Nam áp dụng cho thời hạn trả lời thông nêu trên được đề cập như dưới đây:

1. Cách tính thời hạn trả lời theo Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Luật khiếu nại 2011

Vào trước thời điểm 15/01/2018, sau khi nhận được thông báo tạm thời từ chối đăng ký nhãn hiệu chỉ định tại Việt Nam của WIPO, người nộp đơn có quyền tiến hành thủ tục khiếu nại đối với thông báo tạm thời từ chối này. Cách tính thời hạn trả lời thông báo sẽ căn cứ vào ngày WIPO thông báo cho người nộp đơn hay cũng có thể coi là ngày người nộp đơn nhận được/biết đến thông báo của WIPO – (3) Date of notification by WIPO to the holder. Cách tính thời hạn này được dựa trên quy định tại khoản 4 Điều 14 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp – Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Điều 9 – Thời hiệu khiếu nại – Luật khiếu nại 2011. Cụ thể:

Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP

 “quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:

a) Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

b) Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại khoản 5 Điều này mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.” 

Điều 9 – Luật Khiếu nại 2011

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Theo Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Luật Khiếu nại 2011 và thực tiễn cách tính thời hạn của Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng từ lâu trước thời điểm 15/01/2018, thời hạn trả lời thông báo của WIPO về việc tạm thời từ chối đối với đăng ký quốc tế sẽ là 3 tháng căn cứ vào ngày người nộp đơn nhận được/biết đến thông báo của WIPO (date of notification by WIPO to the holder).  

2. Cách tính thời hạn trả lời thông báo từ chối quốc tế của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định 103/2006/NĐ-CP đang mâu thuẫn với chính Nghị định 103/2006/NĐ-CP và Luật khiếu nại 2011

Hiện nay, cách tính thời hạn trả lời thông báo từ chối của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và Thông tư 16/2016/TT-BKHCN đều đang mâu thuẫn với cách tính thời hạn tại Nghị định 103/2006/NĐ-CP và Luật Khiếu nại 2011 – là hai văn bản pháp lý có giá trị cao hơn. Cụ thể, theo 2 thông tư kể trên, thời hạn trả lời sẽ được tính kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo từ chối – (1) Date on which the notification was sent to WIPO, không phải là ngày quyết định từ chối được gửi cho chủ đơn – (3) date of notification by WIPO to the holder.

Điều 41.6d Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày  14  tháng  02  năm 2007

“trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo từ chối, người nộp đơn có quyền khiếu nại thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Kết quả giải quyết khiếu nại được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Văn phòng quốc tế và cho người nộp đơn.”

Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi Điều 41.6d – Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN: “trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo tạm thời từ chối đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, dịch vụ, người nộp đơn có quyền sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ”.

3. Bình luận

– Về mặt pháp lý: Thông tư chỉ là văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định và Luật – các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Trường hợp thông tư có quy định trái với Luật và Nghị định thì sẽ phải áp dụng quy định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Điều khoản trong thông tư có quy định mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn có thể bị coi là điều khoản trái pháp luật và có thể bị đình chỉ, bãi bỏ theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn.

– Về thực tiễn thực hiện: Quy định về cách tính thời hạn trả lời thông báo từ chối đối với đăng ký quốc tế dựa theo ngày nhận được/biết được thông báo của WIPO – (3) Date of notification by WIPO to the holder đã được Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng thống nhất từ rất lâu trước thời điểm 15/01/2018 (thời điểm Thông tư 16/2016/TT-BKHCN có hiệu lực), mang lại nhiều lợi ích cho người nộp đơn trong và ngoài nước. Trên thực tế, chỉ từ ngày nhận được thông báo từ chối của WIPO, người nộp đơn mới có thể biết do đó cân nhắc đưa ra các phương án phù hợp để khắc phục thiếu sót, trả lời thông báo từ chối đối với nhãn hiệu của mình. Việc tính thời hạn kể từ ngày thông báo của Cục SHTT được gửi đến WIPO (đây có thể được coi là thông báo nội bộ giữa Cục SHTT và WIPO và người nộp đơn sẽ không thể biết được ngày này mà chỉ có thể chờ đến khi chính thức nhận được thông báo từ chối của WIPO) – thông thường thường có sự chênh sớm hơn khoảng 25 – 35 so với ngày người nộp đơn chính thức nhận được thông báo từ WIPO làm thời hạn trả lời của người nộp đơn bị rút ngắn, nhiều trường hợp thời hạn trả lời của chủ đơn còn chưa đầy 2 tháng. Rõ ràng điều này đã gây thiệt thòi cho các chủ đơn ở xa, chủ đơn nước ngoài cũng như đại diện Sở hữu trí tuệ của họ tại Việt Nam khi rất nhiều các công việc như: liên hệ/tìm kiếm đại diện pháp lý ở Việt Nam/thu thập các tài liệu cần thiết, bằng chứng chứng minh nhãn hiệu sử dụng và thừa nhận rộng rãi v.v… chỉ có thể tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa kể đến trường hợp người nộp đơn có thể gặp khó khăn/gián đoạn/sự kiện bất khả kháng, và do đó các chủ đơn này đã không thể thực hiện được quyền lợi hợp pháp của mình khi đưa ý kiến phản hồi đối với thông báo từ chối.

Hơn nữa, việc áp dụng thiếu thống nhất các quy định về cách tính thời hạn trong thực tiễn của Cục Sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự nhầm lẫn của các chủ đơn về cách tính thời hạn. Trong nhiều trường hợp, chủ đơn đăng ký quốc tế dù đã trả lời thông báo từ chối nhưng vẫn có thể nhận quyết định từ chối chính thức của Cục SHTT mà không được xem xét nội dung phản hồi do bị tính là muộn thời hạn trả lời thông báo từ chối theo thực tiễn mới (nhưng vẫn nằm trong thời hạn trả lời được chấp nhận theo thông lệ cũ). Trường hợp này, các quy định pháp luật đã không thể đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho người nộp đơn.

Từ những phân tích nêu trên, để đảm bảo quyền có ý kiến phản hồi và khiếu nại của chủ đơn theo đúng quy định pháp luật, chúng tôi cho rằng cách tính thời hạn trả lời theo Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và Luật Khiếu nại năm 2011 nên được áp dụng. Cụ thể, thời hạn trả lời nên được tính từ thời điểm người nộp đơn nhận được/hoặc biết được thông báo từ chối của WIPO – (3) Date of notification by WIPO to the holder.

Tăng Đức Khương & Trần Thị Như Hoa

Phòng Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ

Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP