Một số quy định mới về nhãn hiệu tại Cambodia

You are currently viewing Một số quy định mới về nhãn hiệu tại Cambodia

Trong thời gian gần đây, Campuchia dần trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cùng với lượng dân số trẻ ngày càng tăng, nhiều chính sách ưu đãi, mức thuế thấp và đặc biệt không có các hạn chế trong trao đổi hoặc chuyển tiền ngoại tệ, Campuchia hiện nay là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và được coi là mảnh đất tiềm năng đầy hứa hẹn cho sự mở rộng, phát triển của nhiều doanh nghiệp tại Châu Á.

Điều này cũng thể hiện rõ hơn khi Campuchia chính là một trong các quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất sau đại dịch Covid, Các ngành nghề truyền thống thế mạnh của Campuchia như may mặc, da giày, du lịch và xuất khẩu nông sản gần như đã trở lại bình thường.

Song song với việc phát triển kinh tế, Chính phủ Campuchia cũng chú trọng việc xây dựng và sửa đổi pháp luật, trong đó có các quy định về Sở hữu trí tuệ. Cho dù nội dung các sửa đổi đôi khi cũng chưa phải là những thay đổi có tính chất tiến bộ (thậm chí còn nhiều tranh cãi), nhưng điều này cho thấy Campuchia đang tích cực hội nhập và nỗ lực tạo ra môi trường pháp lý về Sở hữu trí tuệ rõ ràng, minh bạch và đầy đủ để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình là gần đây Cơ quan đăng ký nhãn hiệu thuộc Bộ Thương mại Campuchia đã ban hành các văn bản thông báo về những thay đổi quan trọng liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu và nộp bản Tuyên thệ Sử dụng/Không sử dụng nhãn hiệu tại Campuchia.

Nội dung của các văn bản này được tóm lược như sau:

1. Thông báo số 2510/R/DIPR ký ngày 01/08/2023: Người nộp đơn được yêu cầu chỉ nộp một Đơn đăng ký nhãn hiệu cho một hoặc nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ nhằm giảm bớt số lượng tài liệu không cần thiết trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Nói cách khác, kể từ ngày 01/08/2023, việc nộp tách nhiều đơn đăng ký cho cùng một nhãn hiệu ở từng nhóm sản phẩm/dịch vụ riêng lẻ thay vì một đơn với nhiều nhóm sẽ KHÔNG được chấp nhận tại Campuchia.

Có thể nhận thấy việc nộp đơn nhãn hiệu cho nhiều nhóm không phải là vấn đề mới tại Campuchia, nhưng nếu như trước kia chủ đơn có toàn quyền trong việc lựa chọn nộp tách nhiều đơn đăng ký (cùng nhãn hiệu) tương ứng cho từng nhóm hay nộp duy nhất một đơn nhãn hiệu cho nhiều nhóm, miễn sao phù hợp với mục đích bảo hộ, chiến lược kinh doanh hay đơn giản chỉ là vấn đề quản lý chi phí đăng ký nhãn hiệu ở từng thời điểm thì đến nay họ chỉ còn được lựa chọn duy nhất là phải nộp đơn nhiều nhóm cho cùng một nhãn hiệu.

Chúng tôi cho rằng quy định sửa đổi này là một bước “thụt lùi” trong việc cải cách thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Campuchia, bởi lẽ quy định ngoài việc hạn chế quyền của người nộp đơn một cách bất hợp lý còn gây thiệt hại, tốn kém về chi phí cho chủ đơn ở các khía cạnh sau:

  • Dù không còn cho tách đơn theo từng nhóm để nộp và bắt phải nộp đơn cho nhiều nhóm nhưng chi phí nộp đơn vẫn không có sự thay đổi. Cụ thể, các khoản phí nộp cho việc đăng ký nhãn hiệu hiện nay vẫn tính theo số nhóm sản phẩm/dịch vụ được nộp theo đơn, chứ không tính theo số lượng đơn đăng ký;
  • Khi đơn đăng ký nhiều nhóm có một hoặc một số nhóm bị từ chối thì để các nhóm còn lại được bảo hộ người nộp đơn sẽ phải xin xóa bỏ nhóm (hoặc các nhóm) bị từ chối khỏi đơn đăng ký nhãn hiệu. Việc làm này gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các chủ đơn, điều mà sẽ không xảy ra nếu chủ đơn được phép nộp tách nhiều đơn nhãn hiệu theo từng nhóm sản phẩm/dịch vụ như trước đây.

2. Thông báo số 2652/R/DIPR ký ngày 11/08/2023: Chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp Tuyên bố Sử dụng hoặc Không sử dụng nhãn hiệu đúng thời hạn quy đinh của pháp luật. Thông báo này có tính chất nhắc nhở chủ sở hữu nhãn hiệu phải tuân thủ thời hạn nộp Tuyên bố Sử dụng hoặc Không sử dụng nhãn hiệu để tránh việc nhãn hiệu đã được cấp bảo hộ bị xóa khỏi Hệ thống đăng ký.

Quy định (nhãn hiệu được bảo hộ sẽ bị xóa khỏi Hệ thông đăng ký nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không nộp Tuyên bố Sử dụng hoặc Không sử dụng trong gian cho phép) đã được nêu rõ tại Điều 21(4) của Nghị định số 64 ngày 12/07/2006, nhưng thực tiễn trước đây, Tuyên bố Sử dụng hoặc Không sử dụng có thể được nộp muộn đến thời điểm gia hạn tiếp theo. Tuy nhiên, theo Thông báo số 2652/R/DIPR, việc nộp muộn sẽ không còn được cho phép và chủ sở hữu nhãn hiệu phải tuân thủ đúng các quy định đã nêu ra tại Điều 21. Theo đó, các chủ sở hữu nhãn hiệu được khuyến nghị nộp các Tuyên bố Sử dụng/Không sử dụng bị quá hạn với Cơ quan đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt để tránh rủi ro bị xóa khỏi Hệ thống Đăng ký.

Chúng tôi đánh giá đây là quy định sửa đổi có tính tích cực của Campuchia vì nâng cao ý thức gìn giữ quyền nhãn hiệu đã được xác lập của các chủ sở hữu, từ đó đề cao vai trò giá trị của việc đăng ký và duy trì hiệu lực nhãn hiệu. Thông báo này cũng là bước cải tiến pháp lý quan trọng vì trong quá khứ, cơ quan đăng ký nhãn hiệu Campuchia không thực thi nghiêm ngặt việc nộp Tuyên bố Sử dụng hoặc Không sử dụng đúng thời gian theo quy định. Với việc ban hành Thông báo 2652/R/DIPR, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ luôn phải chú trọng đáp ứng yêu cầu về thời gian nộp Bản Tuyên bố nếu không muốn bị mất quyền sở hữu đối với nhãn hiệu đã được đăng ký.

Tác giả: Nguyễn Trọng Tú – Trần Thị Anh Thi

Phòng Nhãn Hiệu

INVESTIP – IP LAW FIRM