Mỹ cấp bằng sáng chế cho hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt của nhóm nghiên cứu Việt

You are currently viewing Mỹ cấp bằng sáng chế cho hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt của nhóm nghiên cứu Việt

Hệ thống Blife mang lại khả năng giao tiếp cho những người hoàn toàn bất động do bệnh ALS, vừa được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế.

Blife được phát triển bởi ba nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm tương tác Người-Máy, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, gồm: PGS. TS. Lê Thanh Hà, TS. Ngô Thị Duyên và anh Nguyễn Thành Bổng.

Bằng sáng chế số US 12,093,516 B2 do USPTO cấp cho nhóm nghiên cứu hệ thống Blife. Nguồn: NVCC

Bằng sáng chế số US 12,093,516 B2 do USPTO cấp cho nhóm nghiên cứu hệ thống Blife. Nguồn: NVCC

Bằng cách khai thác các tín hiệu chuyển động mắt và tín hiệu điện não, Blife cho phép những người bị chấn thương hoặc khó khăn trong vận động, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), tương tác với máy tính dễ dàng hơn, từ đó có thể giao tiếp nhanh và hiệu quả hơn.

Hệ thống này bao gồm một camera chuyên dụng đọc cử động mắt và chuyển tín hiệu đó thành tọa độ trên màn hình, giúp người dùng chọn hình ảnh hiển thị hoặc từ ngữ tiếng Việt để phát qua loa. Người dùng cũng có thể thực hiện các tương tác khác như ghi chú, tìm duyệt thông tin trên internet, viết email hay tham gia mạng xã hội. Ngoài phục vụ những người bị tổn thương chức năng vận động, nhóm nghiên cứu cho biết Blife còn có thể được tùy chỉnh để hỗ trợ những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng ở tình huống không thể sử dụng cách thông thường để tương tác với máy tính, chẳng hạn trong môi trường thực tại ảo, du hành vũ trụ…

abc

PGS.TS Lê Thanh Hà và một bệnh nhân được hỗ trợ dùng thiết bị BLife. Nguồn: VNU-Media

PGS. TS. Lê Thanh Hà cho biết, với việc được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, ý tưởng của nhóm được bảo hộ và trở thành tài sản có thể trao đổi, thương mại hóa. Ngoài ra, việc này còn giúp hệ thống Blife dễ dàngtạo niềm tin cho người dùng.

Trước đó, công nghệ đằng sau Blife đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 5/2023. Nhóm quyết định tiếp tục đăng ký sáng chế tại Mỹ do thị trường ở đây rất lớn, và “nếu thành công ở đây thì có thể thành công trên cả thế giới”.

Tuy nhiên, thương mại hóa Blife hiện chưa phải là ưu tiên hàng đầu của nhóm nghiên cứu. Hệ thống đang được triển khai như một dự án tạo tác động xã hội có khả năng hỗ trợ miễn phí cho một số bệnh nhân, và nhóm vẫn sẽ tiếp tục duy trì Blife chừng nào nó còn có thể giúp ích cho những người bệnh có nhu cầu. PGS. TS. Lê Thanh Hà chia sẻ, cuối tuần trước, nhóm vừa mang các thiết bị đến Đà Nẵng để hỗ trợ một người bệnh. Nhóm đang tìm kiếm các đối tác để đem BLife đến với nhiều người bệnh hơn nữa.

Trà My

Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển