Ngăn chặn vi phạm bản quyền: Nên tập trung nâng cao nhận thức thay vì giám sát để xử lý

You are currently viewing Ngăn chặn vi phạm bản quyền: Nên tập trung nâng cao nhận thức thay vì giám sát để xử lý

Ngày 9/11, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp cùng Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) tổ chức diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2022. Chương trình xoay quanh chủ đề “Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình”.

Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL Việt Nam, các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan, Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc, các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các Hiệp hội, một số Đài phát thanh – truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ…

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam Hàn Quốc năm 2022 là hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác để triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được ký kết ngày 4.9.2013 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý giới thiệu các chính sách, quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc, cụ thể là những chính sách về bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên số và những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Cùng với đó là triển khai như tăng cường trao đổi tài liệu liên quan đến pháp luật và công nghệ trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đào tạo các công chức và chuyên gia trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tăng cường hợp tác trong các dự án và hội nghị của các tổ chức quốc tế như WTO, WIPO v.v…; tạo điều kiện trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan quản lý, thực thi, hỗ trợ thực thi, trong đó có các tổ chức quản lý tập thể của hai quốc gia trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. 

Diễn đàn cũng là nơi để hai bên đưa ra những giải pháp, phương hướng bảo vệ quyền tác giả nói chung, đặc biệt là quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam phát biểu. 

Việc hợp tác này đã thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDLViệt Nam) cho biết, kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình.

Việc Nhà nước can thiệp để hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc và đài truyền hình khi khai thác, sử dụng tác phẩm là cần thiết, đảm bảo nhu cầu thụ hưởng của công chúng, đặc biệt là trong môi trường số hiện nay.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi trong nước và hội nhập quốc tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 02 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Kim Dong Eun, Trưởng phòng Bộ VHTTDL Hàn Quốc khẳng định, Hàn Quốc và Việt Nam là các quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Đặc biệt, ở lĩnh vực bản quyền, sau khi ký kết biên bản ghi nhớ về trao đổi và hợp tác bản quyền giữa Bộ VHTTDL hai nước, song phương cũng đã liên tục tổ chức các diễn đàn về bản quyền đặt nền tảng cho sự hợp tác hai bên.

Quang cảnh diễn đàn bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc 2022.

“Đại dịch toàn cầu COVID-19 trong ba năm qua đã đẩy nhanh sự biến đổi của một xã hội. Đặc biệt, sự xuất hiện của các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh khác nhau dựa trên ngành công nghiệp văn hóa đang gây ra sự thay đổi lớn trong toàn bộ hệ sinh thái bản quyền. Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc được tổ chức là cơ hội quý báu để chia sẻ các xu hướng và chính sách mới nhất của cả hai quốc gia, đồng thời tìm kiếm các biện pháp thể chế để ứng phó với môi trường kỹ thuật số ở cả hai quốc gia”, ông Kim Dong Eun nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Kim Dong Eun, cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền đang ngày càng diễn biến tinh vi và có nhiều hình thức khác nhau nên thay vì giám sát để xử lý thì cơ quan quản lý nên tập trung vào việc nâng cao nhân thức của mọi người về bản quyền.

Do vậy, vào năm 2023, Hàn Quốc sẽ khai trương một trung tâm chuyên về đào tạo, quảng bá những nội dung chuyên về bản quyền. Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên. Việc nâng cao nhận thức sẽ giúp giảm thiểu những hành vi vi phạm bản quyền. Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa những nội dung về đào tạo bản quyền vào sách giáo khoa để nâng cao kiến thức cho học sinh

Ông cho biết các hệ thống để giám sát vi phạm về bản quyền trên nền tảng số tại Hàn Quốc trước đây hoạt động riêng biệt nhưng đến nay thì đã được tổng hợp thành một hệ thống chung. Cơ quan quản lý ở quốc gia này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện tự động những vi phạm bản quyền.

Các chuyên gia cũng đề xuất cần bổ sung hành lang pháp lý để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi Luật Sở hữu trí tuệ trong nước và hội nhập quốc tế.

Đồng ý với ý kiến của đại diện Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Lựu, Quyền Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt nam (VCPMC) đề xuất dự thảo nghị định cần có hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến nghĩa vụ tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm.

“Việc quy định mức tiền bản quyền tại dự thảo nghị định cần cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu quyền, quyền và lợi ích của người sáng tạo. Qua đó, luật pháp sẽ tôn vinh tài sản trí tuệ, tôn trọng những giá trị lao động được kết tinh trong tác phẩm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn hóa, xây dựng đất nước,” bà Nguyễn Thị Lựu nhấn mạnh.

Nguồn: Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo