Nguồn của luật nhãn hiệu và các phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu

  • Post category:Tin tức

Áp dụng án lệ

Tòa án không được từ chối giải quyết các tranh chấp với lý do chưa có luật là nguyên tắc tố tụng quan trọng trong cả Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

Theo điều 6 của BLDS năm 2015 việc mở rộng các loại nguồn của luật tư bao gồm:

  • Văn bản quy phạm pháp luật;
  • Tập quán;
  • Án lệ; và
  • Lẽ công bằng.

Theo Điều 1 của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP:
“Án lệ là những lập luận, phản quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bổ là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Theo điều 8 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về việc áp dụng án lệ như sau:

  • “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
  • Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
  • Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
  • Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.”

Việc công bố các bản án về SHTT của Việt Nam là một trong những biện pháp gián tiếp để thu hút đầu tư nước ngoài, bởi thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tuân thủ Hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT, áp dụng trong khuôn khổ các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới – WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong thực thi quyền SHTT. Tham khảo một số bản án, quyết định SHTT tại đây

Mở rộng các loại nguồn của luật nhãn hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế linh động dẫn đến đa dạng cách thức giải quyết tranh chấp

Việc thiết lập và sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu cũng có thể mở rộng mà không nhất thiết phải có quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Hải Như, Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, Bộ Tư pháp, ở Hoa Kỳ, có một hệ thống quy tắc phức tạp về nhãn hiệu bao gồm cả luật của liên bang và luật của tiểu bang. Các văn bản lập pháp thường xuyên bị sửa đổi để đáp ứng sự thay đổi của hoàn cảnh cùng với rất nhiều án lệ truyền sức sống cho các văn bản này làm cho pháp luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ rất năng động và phức tạp. Việc mở rộng nguồn của pháp luật về giải quyết tranh chấp nhãn hiệu có thể đáp ứng được những thay đổi của hoàn cảnh và từng vụ việc tranh chấp cụ thể, hướng tới bảo vệ tốt nhất quyền lợi của thương nhân.

Hiện nay, nhận thức về tranh chấp chưa thống nhất, nhất là về tranh chấp kinh tế hay tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng tranh chấp là sự xung đột lợi ích trong hoạt động kinh tế của các chủ thể kinh doanh.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến nhắc việc mở rộng hơn nữa cách hiểu về tranh chấp trong lĩnh vực này. PGS. TS Trần Đình Hảo cho rằng việc giải thích một hợp đồng liên quan tới sử dụng nhãn hiệu hay phân tích một yếu tố của một nhãn hiệu nào đó cũng là tranh chấp, do đó, không nên cho rằng hễ tranh chấp là có sự vi phạm quyền nhãn hiệu. Bởi vậy, các phương thức giải quyết tranh chấp cần thiết phải linh động.

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế

Quy định các phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bao gồm: Tòa án, thương lượng, hòa giải, trọng tài, hòa giải – trọng tài, bồi thẩm đoàn giản lược và các phương thức khác vì một số luận điểm.

  • Trước hết, nên xem xét tới quyền tự do thỏa thuận và tự định đoạt của đương sự. Người ta có thể thỏa thuận tạo lập ra một phương thức giải quyết tranh chấp miễn là không vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Và việc giải quyết tranh chấp đó cần phải được cho thi hành.
  • Hiện nay, trong nhiều luật tục của các dân tộc ít người có những phương thức giải quyết tranh chấp khá hiệu quả nhưng khác biệt. Vậy nếu các tục lệ đó không chống lại trật tự công cộng và đạo đức xã hội thì cần phải được thừa nhận. Việc quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp nên theo hướng liệt kê và mở rộng không xác định.
  • Ngoài ra, nhãn hiệu có vai trò quan trọng đối với thương mại, không chỉ giúp nhận biết hàng hóa hoặc dịch vụ mà còn là phương tiện quan trọng để cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Nhãn hiệu là tài sản của thương nhân, phụ thuộc vào sự điều tiết của luật dân sự, thương mại, với tính cách là một ngành luật bao gồm cả chế định cạnh tranh và sự chuyển nhượng nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu có tính chất của tranh chấp luật tư. Vì vậy, các tranh chấp nhãn hiệu có thể giải quyết bằng cá phương thức giải quyết tranh chấp của luật tư.

Kết luận

Thương nhân còn lúng túng về nguồn và phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu, họ cần tư vấn pháp lý chuyên nghiệp về tính hiệu quả của các phương án giải quyết tranh chấp thay thế, tố tụng, thực thi quyền, khiếu nại và tranh chấp quyền Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, họ có thể tìm đến đại diện sở hữu công nghiệp và công ty luật về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cũng như tham gia tố tụng và thực thi một tốt nhất.

Quý khách vui lòng liên hệ:

Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP

Website: investip.com.vn

INVESTIP Hà Nội: Tầng 5, tòa nhà Charmvit, số 117 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 3747 2500  Hotline: 0911745879

Email: investiphn@investip.vn; trademark@investip.vn

INVESTIP Hồ Chí Minh: Số 31 Hàn Thuyên, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh

ĐT: (+84) 28 3829 2400  Hotline: 0911754879/0911764879

Email: investiphcm@investip.vn