Nhãn hiệu vẫn chiếm “tỷ trọng” lớn

  • Post category:Tin tức
You are currently viewing Nhãn hiệu vẫn chiếm “tỷ trọng” lớn
Nhãn hiệu vẫn chiếm “tỷ trọng” lớn trong phát triển tài sản trí tuệ

Việc phát triển tài sản trí tuệ là nhu cầu chung của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, xét về cơ cấu tài sản trí tuệ thì nhãn hiệu vẫn là dạng tài sản mà các doanh nghiệp hiện đang nắm giữ chủ yếu, trong khi sáng chế là dạng tài sản chưa phổ biến trong cơ cấu tài sản trí tuệ của doanh nghiệp…

Trong xu thế hội nhập thì sở hữu trí tuệ được xem là tài sản lớn của doanh nghiệp – ảnh minh họa

Tài sản trí tuệ đã được khẳng định
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay thì sở hữu trí tuệ được coi là tài sản lớn của doanh nghiệp, bởi nó là một yếu tố quan trọng làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Ở cấp độ toàn cầu, trong một vài năm gần đây, vấn đề này đã được minh chứng từ sự tác động tích cực của tài sản trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… đối với tăng trưởng kinh tế đã được kiểm chứng ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và đã được tái khẳng định về vai trò của hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế vĩ mô.

Ở cấp độ vi mô, nhiều bằng chứng thực nghiệm đã khẳng định tác động của tài sản trí tuệ đối với kết quả kinh doanh, sự hình thành và phát triển nội lực của doanh nghiệp. Cụ thể trên thế giới, vào những năm 80, tài sản hữu hình chiếm tới 80% giá trị của doanh nghiệp, nhưng chỉ khoảng 30 năm sau đó, tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ đã chiếm tới 80% giá trị của doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, thực tiễn cũng đã cho thấy tài sản trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dường như còn chưa tương xứng với tiềm năng và bộc lộ những thách thức cần phải vượt qua để phát huy vai trò của tài sản trí tuệ.

Sáng chế – tài sản chưa phổ biến của doanh nghiệp 
Mặc dù hoạt động phát triển tài sản trí tuệ là nhu cầu chung của các doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào quy mô, loại hình, nguồn lực… Tuy nhiên,  xét về cơ cấu tài sản trí tuệ thì nhãn hiệu vẫn là dạng tài sản mà các doanh nghiệp hiện đang nắm giữ chủ yếu, trong khi sáng chế là dạng tài sản chưa phổ biến trong cơ cấu tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Cụ thể qua khảo sát các doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2015, sáng chế chỉ chiếm 1,19%, kiểu dáng công nghiệp chiếm 17,61% và nhãn hiệu chiếm tới 81,20% cơ cấu tài sản trí tuệ.
Kết quả trên đã cho thấy dường như các doanh nghiệp chú trọng tới các sáng tạo trong kinh doanh nhiều hơn so với sáng tạo kỹ thuật, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không phải là công nghệ.

Nếu xét về cơ cấu của từng dạng tài sản trí tuệ, có khá nhiều doanh nghiệp có tài sản trí tuệ ở trạng thái “chờ” là chưa đăng ký hoặc không được bảo hộ, chẳng hạn có tới gần 30% doanh nghiệp nắm giữ sáng chế thuộc trạng thái “phi độc quyền”; 21,74% doanh nghiệp chưa đăng ký bảo hộ kinh doanh; gần 20% doanh nghiệp có nhãn hiệu chưa được bảo hộ.
Con số trên cho thấy dường như có điểm nghẽn trong hoạt động tạo dựng và xác lập độc quyền đối với tài sản trí tuệ. Bởi nhiều doanh nghiệp nắm giữ tài sản trí tuệ chưa đáp ứng điều kiện bảo hộ, như do thiếu tính mới, trình độ sáng tạo… hoặc chưa bộc lộ rõ tiềm năng thương mại hóa và mang lại giá trị kinh tế trong tương lai, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc trước khi quyết định xác lập độc quyền đối với tài sản trí tuệ, hoặc do chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký độc quyền.
Riêng với nhãn hiệu, việc doanh nghiệp có nhiều nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đáng chú ý là doanh nghiệp còn đang xem xét khả năng sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, định vị dòng sản phẩm mới hoặc gây ấn tượng mới cho người tiêu dùng, hoặc chỉ gia công, lắp ráp theo đơn đặt hàng mà không cần gắn nhãn hiệu của mình lên sản phẩm. Một mặt, thực tế trên cho thấy các tài sản trí tuệ là một nguồn lực ẩn chứa tiềm năng thương mại hóa của doanh nghiệp, mặt khác cũng phản ánh nhiều rủi ro mà nhiều doanh nghiệp có thể gặp phải nếu những tài sản trí tuệ của mình không được xác lập độc quyền.
Qua nghiên cứu còn cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, những doanh nghiệp có nhiều tài sản trí tuệ được bảo hộ hầu hết đều có tuổi đời trên 10 năm, tập trung khá nhiều ở các lĩnh vực sản xuất như thực phẩm, dược phẩm, điện, điện tử, may mặc, hóa chất, thiết bị, dụng cụ và lĩnh vực xây dựng. Sự khác biệt về quy mô, loại hình, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp cũng dẫn tới nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ khác nhau. Chẳng hạn những doanh nghiệp lớn hoặc có nhiều dòng sản phẩm, dịch vụ có xu hướng đăng ký bảo hộ nhiều tài sản trí tuệ hơn hẳn so với những doanh nghiệp nhỏ, có ít chủng loại sản phẩm, dịch vụ.
Thực tế trên không chỉ phản ánh khuynh hướng đầu tư của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực mà còn cho thấy tiềm năng phát triển tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghệ sinh học… cũng như tiềm năng phát triển các tài sản trí tuệ là sáng chế, công nghệ, cấu thành hàm lượng “chất xám” của sản phẩm, mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường thông qua các công cụ sáng tạo trong kinh doanh, đặc biệt là nhãn hiệu.

Nguồn: daibieunhaudan.vn