Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn diện như hiện nay, bởi vậy, những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo hiệu ứng tích cực cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Mùa hoa sú nở, người dân ven biển huyện Kim Sơn lại hối hả vào vụ thu hoạch ong lấy mật.
Hè về, hoa sú vẹt nở trắng trên những triền đê và rừng ngập mặn huyện Kim Sơn, cũng là lúc thợ nuôi ong ở khắp nơi đổ về đây để khai thác mật tự nhiên. Trung bình, cứ 1.000 thùng ong cho thu hoạch khoảng 8-10 tấn mật/vụ, là mật tự nhiên, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng tốt thường dùng để chữa bệnh dạ dày, nên được nhân dân tin dùng. Để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo dựng uy tín sản phẩm, huyện đang phối hợp với sở Khoa học và công nghệ, đơn vị tư vấn hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này.
Các sản phẩm của làng nghề gốm Gia Thủy, huyện Nho Quan
Trải qua bao thăng trầm, nghề gốm Gia Thủy tồn tại và phát triển tại vùng đất Nho Quan, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những người thợ nơi đây đã liên tục cải tiến mẫu mã, kích thước, màu sắc, làm ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao như: Chậu cảnh, bình cắm hoa, ấm trà…Hiện nay, sản phẩm đã được chứng nhận Ocop 3 sao cấp tỉnh. Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu giúp nhận diện dễ dàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, qua đó tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho những người thợ nơi đây.
Toàn tỉnh có 314 tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ , một số tài sản tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã được hỗ trợ để ứng dụng vào thực tiễn như: Nhân giống và sơ chế dược liệu Đinh lăng lá nhỏ tại huyện Nho Quan; Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương; cơm cháy Xích Thổ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Yên Khánh, Bún mọc Kim Sơn…Thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá dịch vụ cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu logo, bản đồ vùng, quy chế quản lý và sử dụng, bộ tiêu chí sản phẩm cho những sản phầm đủ tiêu chuẩn. Theo đó, tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo bộ, 100% sản phẩm Ocop được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp khách hàng dễ dàng nhận biết thông tin
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vừa mang lại cho chủ thể sản xuất cơ hội bán sản phẩm ở mức cao hơn so với sản phẩm cùng loại, vừa giúp khách hàng dễ dàng nhận biết thông tin, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Như Nguyệt (THNB)