Photo sách để học là lựa chọn của rất nhiều người đặc biệt là học sinh, sinh viên, bởi giá thành sách photo rẻ hơn rất nhiều so với sách gốc. Vậy việc photo sách có vi phạm quyền tác giả hay không? Trong bài viết dưới đây, INVESTIP sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
1. Photo sách có vi phạm bản quyền tác giả không?
Photocopy sách chính là một hình thức sao chép tác phẩm, sao chép ở đây được hiểu là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định nếu tổ chức, cá nhân khác khi khai thác và sử dụng một hoặc một số quyền tác giả thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Tuy nhiên, tại Khoản 6 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
– Tự sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
– Nhập khẩu bản sao tác phẩm từ người khác để sử dụng riêng.
Việc sử dụng tác phẩm đã công bố không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Như vậy, nếu chỉ photo không nhiều hơn 01 bản nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, giảng dạy và không sao chép để đi bán hay nhằm mục đích khác thì không bị coi là vi phạm bản quyền.
2. Quy định xử phạt hành vi sao chép sách
Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ – CP thì hành vi photo sách trái phép khi không được phép của chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền từ: 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
Ngoài ra còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao, bản photo tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm ở đây là sách.
3. Bảo vệ quyền tác giả cần phải làm gì?
Để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm “sách” thì tác giả nên chủ động thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
Quy trình đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả (01 bản);
– Bản sao tác phẩm cần bảo hộ (02 bản);
– Giấy uỷ quyền (nếu được uỷ quyền thực hiện);
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu có đồng tác giả);
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu thuộc sở hữu chung).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Hồ sơ nộp tại Cục Bản quyền tác giả có trụ sở chính ở thành phố Hà Nội hoặc văn phong đại diện của Cục ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để xin cấp Văn bằng bảo hộ.
Bước 3: Xử lý đơn đăng ký
Cục Bản quyền tác giả tiếp nhận hồ sơ đăng ký và tiến hành thẩm định, kiểm tra tính hợp lệ, chính xác của hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đối với tác phẩm sách.
+ Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả thông báo từ chối bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.