Siết chặt bảo hộ bản quyền: Để không còn những “miền Tây hoang dã”

You are currently viewing Siết chặt bảo hộ bản quyền: Để không còn những “miền Tây hoang dã”

Dù đạt được nhiều bước tiến sau 20 năm gia nhập Công ước Berne song việc hạn chế tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn là bài toán nan giải với Việt Nam.

Con đường buộc phải đi

Năm 1999, đại diện Công ty Văn hóa Phương Nam và NXB Văn học đã sang Hồng Kông gặp Kim Dung – nhà văn Trung Quốc nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp, để đàm phán và mua bản quyền các tác phẩm này. Lúc đó, không ít người bất ngờ và cho rằng đây là một kiểu “chơi trội”, “chơi ngông”. Bởi lẽ, 20 năm quen thuộc với vấn đề bản quyền khiến người ta quên rằng, vào thời điểm đó bản quyền vẫn còn là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam. Thị trường xuất bản, cũng như nhiều lĩnh vực sáng tạo khác như phim ảnh, âm nhạc… khi đó vẫn còn là những “miền Tây hoang dã” cho những kẻ xâm phạm bản quyền tung hoành.

Tuy nhiên, trật tự dần được lập lại khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật vào năm 2004. Khi gia nhập Công ước, tác phẩm của các tác giả là công dân ở các quốc gia thành viên sẽ được bảo hộ theo các nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc bảo hộ tự động và nguyên tắc bảo hộ độc lập. Cụ thể, Công ước Berne bảo hộ quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất nhất định, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Tác giả phải tự mình sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm hay những tác phẩm khác. Ngoài ra, các quốc gia thành viên phải bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác, tương tự như bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi trước khi Công ước Berne ra đời vào cuối thế kỷ 19, các quốc gia thường từ chối bảo hộ quyền tác giả của các tác phẩm nước ngoài. Do vậy, một tác phẩm của tác giả ở quốc gia này có thể bị sao chép và xuất bản tự do ở các quốc gia khác – tương tự tình trạng ở Việt Nam cách đây hơn 20 năm.

Khi đó, không nhiều người hào hứng với bước tiến này. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là mối đe dọa với ngành xuất bản, đặc biệt là mảng sách dịch sẽ suy yếu, độc giả không thể tiếp cận được với các tác phẩm giá trị trên thế giới… Bởi nếu phải xin phép và bỏ tiền mua bản quyền, giá sách chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến độc giả. Hầu hết các nhà xuất bản trong nước ở thời điểm đó lại thiếu nguồn lực tài chính, thiếu kinh nghiệm đàm phán mua bản quyền, cũng không nắm được tình hình thị trường, giá cả bản quyền trên thế giới. Hơn nữa, sự thay đổi này có thể khiến các đơn vị xuất bản ở Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, kèm theo những yêu cầu bồi thường không nhỏ. Đơn cử như trường hợp của bộ truyện tranh Doraemon do NXB Kim Đồng phát hành từ năm 1992, nhanh chóng trở thành bộ truyện ăn khách với số lượng phát hành lên tới hàng triệu quyển ở Việt Nam. Tất nhiên, số truyện phát hành trong giai đoạn này đều không có bản quyền. Vài năm sau đó, nhà xuất bản Shogakukan ở Nhật, đơn vị nắm bản quyền bộ truyện tranh này đã yêu cầu Kim Đồng phải đền bù 4 triệu yên cho số truyện đã phát hành lậu trong giai đoạn 1992-1995, cộng thêm 4 triệu yên mua lại bản quyền Doraemon tại Việt Nam.

Theo Media Partners Asia, trong năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, với 15,5 triệu người xem bất hợp pháp.

Do vậy, quá trình gia nhập Công ước Berne của Việt Nam là một hành trình nhiều chông gai. “Giai đoạn đầu khi gia nhập Công ước Berne và ký kết các hiệp định song phương là một lộ trình thuyết phục, giải trình với các cơ quan có liên quan”, ông Bùi Nguyên Hùng, nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả Việt Nam, chia sẻ trong Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne. Sau tất cả, “[quyết định này] cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ từ cấp cao nhất cho đến cấp thi hành, bởi đây là điều tất yếu Việt Nam sẽ phải thực hiện”. Vào thời điểm đó, Việt Nam đang đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc gia nhập Công ước Berne là một trong những điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Trái với lo lắng ban đầu, việc gia nhập Công ước Berne đã mang đến một làn gió mới cho lĩnh vực bản quyền Việt Nam. Các nhà xuất bản bắt đầu bước vào con đường cạnh tranh tìm mua bản quyền những đầu sách hay trên thế giới, nâng cao chất lượng dịch thuật, in ấn, trình bày… để thu hút độc giả, tăng giá trị cho sản phẩm. Nhờ đó, độc giả trong nước có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm dịch chất lượng cao, cập nhật hơn với quốc tế, khác với giai đoạn trước, hầu hết tác phẩm dịch trong nước đều đến từ các nước bạn bè xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, được nhà nước mua hoặc được cho, tặng trong khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia. Bên cạnh tác phẩm dịch, các nhà xuất bản cũng mở rộng khai thác các tác phẩm trong nước, tăng thu nhập cho các tác giả, góp phần định hình một thị trường xuất bản ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Nhìn xa hơn, có thể thấy lợi ích của việc gia nhập Công ước Berne không chỉ giới hạn ở ngành xuất bản. “Việc gia nhập Công ước Berne đã nâng cao vị thế và thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam, giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm vừa qua”, ông Bùi Nguyên Hùng nhận xét. Cũng giống như các nhà xuất bản nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi chuyển giao bản quyền cho những đơn vị ở các quốc gia thực thi nghiêm ngặt về quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ yên tâm đầu tư hơn khi biết tài sản trí tuệ của mình sẽ được bảo vệ an toàn.

Bức tranh sơn dầu “Một ngày như thế” của họa sĩ Bùi Văn Tuất đã bị sao chép lại và rao bán ngang nhiên ở Hà Nội, trong khi tác phẩm này đã được một nhà sưu tập tranh sở hữu trước đó. Người sao chép đã “hô biến” tranh sơn dầu trên vải của họa sĩ Bùi Văn Tuất thành tranh sơn mài, cố tình tạo ra các vết nứt vỡ trên vóc để chứng tỏ đây là đồ cổ có tuổi thọ lâu đời.

Những thách thức mới trên môi trường số

Tất nhiên, Công ước Berne không phải là “cây đũa thần”. Dù lĩnh vực bản quyền có nhiều bước tiến song tình trạng xâm phạm vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. “Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trên môi trường số khiến tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa) ngày càng phức tạp”, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhận xét trong diễn đàn. Chẳng hạn về bóng đá, theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), hiện nay có khoảng 70 website cung cấp các trận bóng đá không có bản quyền tại Việt Nam, với khoảng 7,7 triệu thành viên đăng ký xem thường xuyên ở các website này, và có khoảng 1,5 tỷ lượt xem trong mùa giải năm 2022-2023. “Các hình thức vi phạm điển hình là lấy từ các phiên bản [phát sóng trận bóng đá] gốc, hoặc lấy từ một đơn vị trung gian, sau đó livestream trên mạng xã hội, cắt ghép và đang tải trên các nền tảng khác. Các đối tượng vi phạm có thể cắt ghép và che, đổi logo để che giấu nguồn tín hiệu gốc, khiến những công cụ phát hiện vi phạm bản quyền như công cụ của YouTube cũng không thể phát hiện ra”, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Tình trạng này khiến Việt Nam thường bị đưa vào danh sách các thị trường xâm phạm bản quyền “khét tiếng” trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu Media Partners Asia, trong năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, với 15,5 triệu người xem bất hợp pháp. Ngoài những thiệt hại cho chủ sở hữu chân chính, khiến doanh nghiệp nước ngoài “e ngại” khi đầu tư vào Việt Nam, nạn xâm phạm bản quyền còn ảnh hưởng đến chính người xem. Chẳng hạn như trường hợp phát sóng World Cup năm 2018, chỉ ba ngày sau khi khai mạc, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên mạng. Ngay sau đó, VTV đã gửi công văn “kêu cứu” Bộ TT&TT vì nếu không kịp thời ngăn chặn, để tín hiệu phát sóng tràn ra ngoài lãnh thổ thì Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) có thể dừng sóng bất cứ lúc nào, gây thiệt hại cho đơn vị mua bản quyền cũng như người xem ở Việt Nam.

Với những nỗ lực siết chặt việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây nhằm đáp ứng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tại sao câu chuyện xâm phạm bản quyền vẫn tiếp diễn, thậm chí có xu hướng gia tăng tại Việt Nam? Có lẽ, các biện pháp mà chúng ta đang có trong tay không phải lúc nào cũng bắt kịp với thực tế. “Để xử lý vi phạm bản quyền, chúng tôi đã phối hợp với các chủ sở hữu để phát hiện các các nội dung vi phạm ở đâu, như thế nào, sau đó sẽ cùng các đơn vị chức năng và các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian – đã được quy định trong các văn bản pháp luật phải có trách nhiệm ngăn chặn khi được thông báo có nội dung vi phạm trên nền tảng của họ”, ông Phạm Hoàng Hải cho biết. Tuy nhiên, hầu hết các website vi phạm đều đặt máy chủ ở nước ngoài, do vậy, các đơn vị chức năng chỉ có thể phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian để ngăn chặn người dùng truy cập các tên miền này. “Tuy nhiên, biện pháp này cũng hơi bất cập vì giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian không có sự thống nhất. Hơn nữa, các đối tượng vi phạm cũng thay đổi tên miền liên tục, gây khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn”, ông Phạm Hoàng Hải nói.

Để môi trường số không trở thành “miền Tây hoang dã” cho những kẻ xâm phạm bản quyền, các chuyên gia cho rằng một trong những điểm mấu chốt là kết hợp nhiều giải pháp, cùng nguồn lực từ nhiều bên. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, để thiết lập đầu mối phối hợp sao cho hiệu quả và nhanh nhất, thiết lập một cơ chế chặn linh hoạt, khi bên xâm phạm thay đổi tên miền thì chúng tôi cũng thể chặn ngay lập tức. Chúng tôi sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nhau, có thể ngăn chặn cả dải IP, rồi các công cụ ngăn chặn tự động để giảm thời gian và nhân lực phục vụ cho việc ngăn chặn này”.

Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)

Thanh An

Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển

LIÊN HỆ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Nhận thông tin tư vấn về sở hữu trí tuệ chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí:

HOTLINE: +84911745879 hoặc EMAIL: investiphn@investip.vn

LIÊN HỆ