Sở hữu trí tuệ: chia sẻ của một nhà đầu tư

  • Post category:Tin tức

Tác giả: Jag Singh*,

Giám đốc điều hành của Techstars tại Berlin, Đức

* Jag Singh là một doanh nhân thành đạt và hiện là một trong những nhà đầu tư thiên thần tích cực nhất ở châu Âu, với các khoản đầu tư trong vòng tiền hạt giống đến vòng gọi vốn thứ tư (Series D). Anh đã nắm quyền điều hành công ty Techstars Berlin vào cuối năm 2018. Trước đó, anh đã thành lập bốn công ty từ con số không, với hai lần rút lui đầu tiên vào năm 2007 và 2009. Singh cũng có hơn mười năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị và chiến lược tranh cử, từng cố vấn cho các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ cũng như của các chính trị gia và nhóm vận động tranh cử ở Anh và các nước châu Âu.

Mạng lưới Techstars toàn cầu

Là cầu nối đến thành công của các doanh nhân. Được thành lập vào năm 2006, Techstars bắt đầu với ba ý tưởng đơn giản:

  • các doanh nhân kiến tạo một tương lai tốt đẹp,
  • sự hợp tác thúc đẩy sự đổi mới và
  • những ý tưởng tuyệt vời có thể bắt nguồn từ mọi nơi.

Giờ đây, chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh cho phép mọi người trên hành tinh đóng góp và hưởng lợi từ sự thành công của các doanh nhân. Ngoài việc tiến hành các chương trình tăng tốc khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi còn kết nối với các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư, tập đoàn và thành phố để xây dựng các cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh. Techstars đã đầu tư vào hơn 2.200 công ty mà hiện nay có giá trị vốn hóa thị trường kết hợp là 29 tỷ USD.

Chiến lược rút lui đóng vai trò rất quan trọng

Đó là cách bạn và các nhà đầu tư tìm cách thu lại được lợi nhuận xứng với thời gian, sức lực và tiền bạc đã đầu tư vào doanh nghiệp của mình. Không thể bỏ qua những ý nghĩ về việc rút lui, vì xét cho cùng, đó là khi cả doanh nhân và nhà đầu tư đều đạt được phần lớn lợi nhuận.

Trong 15 năm qua, đầu tiên với tư cách là một doanh nhân và bây giờ là một nhà đầu tư, tôi đã thấy nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đoạt giải thưởng bị chôn vùi trong nấm mồ của khởi nghiệp toàn cầu. Lí do là gì? Phần lớn là do chỉ có một số ít bảo đảm được quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm bảo hộ tài sản kinh doanh của mình. Điều đó giải thích vì sao các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quan tâm, hoặc ít nhất, suy nghĩ đến SHTT trong thời gian sớm nhất.

Jag Singh cho biết, “Nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận rằng tài sản trí tuệ có thể nâng cao giá trị doanh nghiệp và tăng cơ hội rút lui sinh lợi, nhưng ít ai bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của họ”. (Ảnh: Courtesy of Jag Singh)

Các quyền Sở hữu Trí tuệ trợ giúp doanh nghiệp của bạn

Khi nói về quyền Sở hữu Trí tuệ, bằng bảo hộ sáng chế thường được nhắc đến đầu tiên, nhưng nó cũng bao gồm quyền tác giả, kiểu dáng, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh. Mỗi quyền bảo vệ một khía cạnh khác nhau của sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong khi bí mật kinh doanh và/hoặc văn bằng bảo hộ sáng chế hoặc giải pháp kỹ thuật mới, thì quyền tác giả và thiết kế sẽ bảo hộ nội dung sáng tạo nguyên gốc; nhãn hiệu lại bảo hộ và xây dựng thương hiệu của bạn.

Quyền SHTT cho phép các nhà sáng chế và sáng tạo chuyển đổi sản phẩm trí tuệ của họ thành tài sản thương mại có thể được giao dịch. Quyền Sở hữu Trí tuệ đưa ra các lựa chọn một khoảng thời gian được chỉ định cho các chủ sở hữu quyền SHTT ngăn chặn bên thứ ba sử dụng trái phép sáng chế hoặc tác phẩm sáng tạo hoặc đàm phán các giao dịch kinh doanh có lợi.

Luật SHTT áp dụng các hình phạt đối với việc sử dụng trái phép các tài sản SHTT được bảo hộ. Nhưng quan trọng hơn, các công ty có quyền xác nhận quyền sở hữu và thu được giá trị từ các sản phẩm sáng chế và sáng tạo của họ. Điều này là có thể đạt được nhờ việc cấp phép quyền SHTT để đổi lấy thanh toán phí bản quyền nhằm ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh có tên tương tự hoạt động trong cùng một khu vực địa lý và có khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Sở hữu Trí tuệ – sự cân nhắc mấu chốt của nhà đầu tư

Quyền SHTT là tài sản kinh tế quan trọng trong nền kinh tế tri thức ngày nay. Vậy nên các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng chiến lược SHTT trong giai đoạn đầu phát triển. Cách tiếp cận như vậy sẽ cho phép họ tận dụng tài sản trí tuệ của mình để tăng trưởng.

Với tư cách là nhà đầu tư, tôi và các đồng nghiệp có xu hướng nghiên cứu một công ty tại giai đoạn thành lập. Đó là khi họ đưa ra nhiều lời hứa với ít bằng chứng để chứng minh. Trong nền kinh tế hiện đại, tài sản SHTT thường thúc đẩy doanh thu hiện tại và tương lai, vì vậy các nhà đầu tư muốn thấy rằng các doanh nhân đã tích hợp quyền SHTT vào kế hoạch kinh doanh của họ. Ít nhất, bằng chứng về một cách tiếp cận Sở hữu trí tuệ thuyết phục nào đó có nghĩa là các công ty sẽ có nhiều điểm chung với các nhà đầu tư hơn trong việc trả lời câu hỏi lớn về cách để bán được công ty với giá hàng tỷ đô la trong tương lai.

Các nhà đầu tư muốn thấy các doanh nhân đã tích hợp quyền SHTT vào kế hoạch kinh doanh của họ.

Nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận rằng tài sản trí tuệ có thể nâng cao giá trị doanh nghiệp và tăng cơ hội rút lui sinh lợi, nhưng ít ai bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của họ. Hiểu biết kém về SHTT và quan niệm rằng việc bảo hộ quyền SHTT là tốn kém khiến các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng gạt sang một bên các cân nhắc về quyền sở hữu trí tuệ. Việc không cân nhắc kỹ lưỡng việc bảo hộ quyền SHTT có thể đi kèm với một cái giá đắt.

Lập một chiến lược rút lui hiệu quả

Để tạo ra một chiến lược rút lui tốt, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chọn ra các quyền SHTT có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ và ở giai đoạn nào để bảo hộ tài sản SHTT của mình.

Về nhiều mặt, doanh nhân cũng là nhà đầu tư. Họ phân bổ thời gian và tiền bạc quý báu của mình vào việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Khi nói đến SHTT, tất cả các công ty cần có một cái nhìn bao quát về hoạt động kinh doanh của mình và cách nó phù hợp với bối cảnh thương mại rộng lớn hơn. Họ cũng cần đảm bảo quyền Sở hữu trí tuệ được kết hợp đầy đủ vào các kế hoạch kinh doanh, cũng như suy nghĩ về những điều cần làm để đảm bảo tài sản SHTT được nhân viên quản lý một cách hiệu quả.

Thành phần con người có mặt trong việc nâng cao nhận thức về SHTT và tiếp thu các kỹ năng và chuyên môn về SHTT thông qua việc thu hút sự tham gia của cố vấn hoặc chuyên gia tư vấn có đủ năng lực về SHTT. Họ thường bắt đầu bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản để đảm bảo rằng thông tin kinh doanh nhạy cảm được bảo vệ và bằng cách thêm các điều khoản vào hợp đồng lao động để làm rõ cách thức chuyển nhượng quyền SHTT và chủ sở hữu quyền Sở hữu trí tuệ.

Về phía doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần có hiểu biết cơ bản về cách sử dụng các quyền SHTT khác nhau để thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh và cách bảo đảm các quyền đó. Một số quyền SHTT yêu cầu phải thực hiện các bước rất cụ thể trước khi có thể được bảo hộ. Ví dụ như trong trường hợp bằng bảo hộ sáng chế, khả năng yêu cầu các quyền đối với sáng chế phụ thuộc vào tính mới của nó, trong số các yếu tố khác. Vì vậy, doanh nghiệp nên thực hiện theo từng bước để tránh bất kỳ sự rò rỉ thông tin nào về các phát triển kỹ thuật mới trước khi đơn đăng ký sáng chế được nộp.

Cách viết yêu cầu trong đơn xin cấp bằng bảo hộ sáng chế cũng rất quan trọng. Các yêu cầu xác định phạm vi của bằng bảo hộ sáng chế và có thể xác định liệu một sản phẩm hoặc dịch vụ cạnh tranh có xâm phạm quyền đối với sáng chế hay không. Những người nộp đơn thường miêu tả công nghệ của họ quá hẹp khi soạn thảo các yêu cầu trong đơn đăng ký bảo hộ. Do đó, bảo hộ sáng chế không thể ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh vì họ có thể dễ dàng có sáng chế quẩn quanh (design around) công nghệ đã được bảo hộ. Các nhà đầu tư muốn thấy rằng một công ty đã bảo đảm quyền Sở hữu Trí tuệ đối với tất cả các tài sản có liên quan và việc quản lý danh mục SHTT của công ty đó hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu và quy trình của công ty.

Jag Singh, CEO của Techstars Berlin nói rằng, “Để tạo ra một chiến lược rút lui tốt, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chọn ra các quyền SHTT có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ và ở giai đoạn nào để bảo hộ tài sản SHTT của mình”. (Ảnh: ssstep/iStock/Getty Images Plus)

Năm cạm bẫy phổ biến

Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng hoạt động kinh doanh, họ thường đưa ra các quyết định dẫn đến những hậu quả khôn lường nhưng có tiềm năng về lâu về dài, liên quan đến những điều sau:

  • Các vấn đề về nguồn mở: Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa thường lờ đi tác động tổng chi phí của hệ thống máy tính và các lựa chọn phần mềm mà họ đưa ra trong những ngày đầu kinh doanh. Nhiều người bỏ qua thực tế rằng các thành phần nguồn mở là “miễn phí”, nhưng chỉ trong một số điều kiện nhất định. Những điều kiện này thường bao gồm yêu cầu cung cấp mã code kết quả miễn phí cho công chúng. Các nhà đầu tư tiến hành kiểm tra thẩm định đối với một khoản đầu tư tiềm năng sẽ coi đây như một rủi ro về SHTT xuất phát từ việc không tuân thủ các quyền của bên thứ ba.
  • Bí mật kinh doanh: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không thể tận dụng bảo hộ bí mật kinh doanh vì họ không thể chứng minh việc đã thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn thông tin bí mật liên quan bị tiết lộ công khai. Các công ty này không thể hạn chế cách thông tin quan trọng bị chia sẻ trong nội bộ và ra bên ngoài. Đó là một sai lầm phổ biến và có thể tránh được nếu lập kế hoạch cẩn thận.
  • Quản lý và giám sát tài sản SHTT: Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa cần suy nghĩ về cách quản lý tài sản SHTT; cách bảo vệ bản thân trước sự lạm dụng hoặc xâm phạm quyền; và cách khai thác tài sản SHTT để tạo ra các dòng thu nhập mới và mở rộng thị phần. Các nhà đầu tư thường xuyên thu hút các nhà tư vấn SHTT để điều hướng các danh mục Sở hữu Trí tuệ phức tạp. Triển khai một chiến lược SHTT mạnh mẽ sẽ đảm bảo không có vấn đề hủy giao dịch bất ngờ nào.
  • Thời điểm luôn là một yếu tố quan trọng khi thực hiện chiến lược SHTT. Nhiều nhà đầu tư yêu cầu các biện pháp bảo hộ SHTT phải sẵn sàng trước khi họ đầu tư, đặc biệt là khi một công ty đang xem xét việc mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua các thỏa thuận cấp phép hoặc nhượng quyền. Các nhà đầu tư thường muốn nguồn vốn của họ được sử dụng hiệu quả nhất vào những việc như phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô kinh doanh. Vì vậy, trình tự chính xác của một chiến lược SHTT luôn đáng được suy nghĩ cẩn thận.
  • Các công ty chú ý đến thị trường nước ngoài nên luôn luôn làm các cuộc tìm kiếm thông quan theo từng quốc gia cụ thể để xác định quyền tự do hoạt động của họ tại các thị trường đó. Nói chung, những tìm kiếm như vậy là cách dễ nhất để giảm thiểu rủi ro khi mở rộng sang một vùng địa lý mới. Khi được một chuyên gia SHTT tiến hành, những kết quả tìm kiếm có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các đối thủ cạnh tranh và cách họ tiếp cận các thị trường khác nhau. Khi có liên quan, chúng cũng có thể xác định các sản phẩm thuộc phạm vi công cộng mà dựa trên đó các sáng tạo hoặc sản phẩm mới có thể được phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hưởng lợi từ thông tin thu thập được từ các cơ sở dữ liệu SHTT công khai như PATENTSCOPE của WIPO và Cơ sở dữ liệu Nhãn hiệu Toàn cầu (Global Brand Database) khi tự định vị bản thân để mua lại.

SHTT – thực hiện phân bổ rủi ro

Các nhà đầu tư giai đoạn đầu xem quá trình đảm bảo quyền SHTT như thực hiện phân bổ rủi ro. Để có được quyền SHTT, bạn cần phải là người đầu tiên nộp đơn đăng ký để đảm bảo các quyền đó, nếu không bạn có thể bị mất các quyền này. Tốc độ là điều cốt yếu. Trong một thị trường đông đúc, việc đảm bảo quyền SHTT nhằm giảm thiểu nguy cơ bị thách thức bởi một khiếu nại vi phạm.

Đối với bất kỳ công ty nào quan tâm đến việc khai thác các cơ hội SHTT, bước đầu tiên là xác định và định lượng các tài sản SHTT hiện có (ví dụ: bí quyết, danh sách khách hàng, sáng chế, trang web, nội dung sáng tạo, v.v.). Sau đó, họ cần hiểu giá trị của các tài sản đó và cách tốt nhất để bảo vệ chúng.

Các nhà đầu tư cho giai đoạn đầu xem quá trình đảm bảo quyền Sở hữu Trí tuệ như thực hiện phân bổ rủi ro.

Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tận dụng các chương trình khuyến khích việc sử dụng quyền SHTT của chính phủ. Nhiều quốc gia cung cấp các khoản giảm thuế và các khoản khấu trừ khác liên quan đến SHTT. Đối với các công ty trẻ hơn, những điều này có thể xác định khả năng của họ trong việc thuê nhân viên hoặc thậm chí vượt qua một quý khó khăn.

Bốn lý do để tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp về SHTT

Đầu tiên, thực hiện kiểm toán tài sản trí tuệ của bạn là một cách hữu ích để xác định sản phẩm có thể thực sự được sử dụng hoặc thậm chí là sử dụng với mục đích khác. Điều đó cũng hiển thị các tài sản SHTT mà doanh nghiệp đang sử dụng nhưng thuộc về người khác.

  • Các công cụ chẩn đoán SHTT (ví dụ như công cụ Chẩn đoán SHTT (WIPO IP Diagnostics) của WIPO) có thể giúp khởi động quá trình này, nhưng hầu như việc thuê một nhà tư vấn SHTT cho mục đích này luôn hợp lý.
  • Tại sao? Bởi vì tài sản trí tuệ có thể không bao giờ thành hiện thực nếu các thủ tục đăng ký liên quan không được tuân thủ một cách chính xác. Và khi được mua lại, chúng có thể mất hiệu lực nếu không được bảo trì hoặc quản lý đúng cách.

Thứ hai, một cuộc trò chuyện với một chuyên gia Sở hữu Trí tuệ có kinh nghiệm về cách sử dụng SHTT hiện nay của bạn, về cách bảo hộ tài sản SHTT mới hoặc chưa được đăng ký và một kế hoạch SHTT tối ưu đáp ứng tốt nhất cho chiến lược rút lui của bạn là chìa khóa dẫn đến thành công. Đây cũng có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư tiềm năng, những người muốn thể hiện cách họ có thể gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, vượt xa số tiền họ rót vào.

Thứ ba, luật SHTT và cách diễn giải luật liên tục thay đổi. Một chuyên gia SHTT có trình độ sẽ nắm được những thay đổi như vậy có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp của bạn.

Thứ tư, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải suy nghĩ về cách tiếp cận các vụ kiện tụng tốn kém nhưng gần như lúc nào cũng có thể tránh được. Nhiều công ty luật cung cấp các gói định giá hấp dẫn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số thậm chí còn cung cấp tư vấn ban đầu miễn phí và kế hoạch trả chậm.

Các nhà đầu tư cần cẩn thận điều gì?

Cũng giống như các doanh nhân học hỏi từ những sai lầm của người đi trước, các nhà đầu tư đang trở nên “cáo già” hơn. Qua kinh nghiệm cay đắng, chúng tôi đã học được tầm quan trọng của việc thẩm định và sự cần thiết phải đảm bảo rằng các công ty sở hữu những gì họ nghĩ hoặc nói rằng họ sở hữu và có thể sử dụng những tài sản đó như dự định.

Chúng tôi kiểm tra xem liệu các vụ chuyển nhượng SHTT thích hợp đã được thực hiện hay chưa, cũng như xác nhận các biện pháp bảo hộ bí mật kinh doanh, thông báo vi phạm và các chính sách nội bộ khác.

Chúng tôi đều nhìn nhận rõ sự sụp đổ đi kèm với mức độ cạnh tranh ngày càng cao mà các công ty trong danh mục đầu tư của mình phải đối mặt. Giờ đây, chúng tôi hy vọng rằng số lượng các khiếu nại vi phạm quyền SHTT chống lại họ sẽ tăng lên khi họ dần có sức ảnh hưởng hơn. Đây là một thực tế của cuộc sống và một trong những điều mà các công ty cần có khả năng quản lý.

Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi đã biết rằng mặc dù quyền Sở hữu Trí tuệ là một tài sản có giá trị, nhưng không có sự đảm bảo nào về giá trị tài chính hoặc tiện ích của danh mục SHTT của một công ty. Điều đó nói lên rằng, tài sản SHTT làm tăng định giá của công ty hoặc bổ sung đáng kể vào giá trị thực tế và được đánh giá của công ty. Trong bối cảnh mua bán và sáp nhập, chúng củng cố vị thế đàm phán của công ty dự định rút lui.

Có hai điều bạn cần lưu ý.

  • Đầu tiên, hãy chủ động biến chiến lược SHTT thành trọng tâm trong chiến lược kinh doanh trước khi ra mắt. Lập kế hoạch trước khi bàn bạc với những khách hàng thực sự đầu tiên của mình.
  • Và thứ hai, hãy tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia Sở hữu Trí tuệ có trình độ để đảm bảo chiến lược SHTT của bạn được điều chỉnh để phù hợp với tình huống và mục tiêu cụ thể. Đôi khi, bạn thậm chí có thể nhận được lời khuyên miễn phí.