Nhãn hiệu Apple đã quá quen thuộc với mọi người với các sản phẩm thiết bị điện tử như Iphone, macbook. Tuy nhiên, nhãn hiệu nổi tiếng này còn được dùng cho một hãng thu âm, chính điều này đã dẫn đến tranh chấp hiếm thấy khi sử dụng chung nhãn hiệu.
Nhãn hiệu là gì?
Theo quy định tại khoản 16 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Còn theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”.
Như vậy, nhãn hiệu chính là cách thức phổ biến nhất để nhận diện hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể.
Sử dụng chung nhãn hiệu là tình huống trong đó hai doanh nghiệp khác nhau sử dụng một nhãn hiệu tương tự hoặc giống nhau để tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ mà không nhất thiết phải can thiệp vào hoạt động kinh doanh của nhau.
Tranh chấp khi sử dụng chung nhãn hiệu Apple
1. Tranh chấp lần thứ nhất về nhãn hiệu
Năm 1968, Ban nhạc Beatles đã từng lập ra một công ty tên là Tập đoàn Apple (Apple Corps), bao gồm Apple Electronics, Apple Films và Apple Music. Năm 1978 họ đã khởi kiện Apple Computer (nay là tập đoàn Apple – Apple Inc) với lí do xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của họ.
Trong khi nhãn hiệu của Apple Corps là hình một quả táo xanh đi kèm cái tên Apple Corps và tạo ra các sản phẩm chủ yếu trong lĩnh vực đa phương tiện như âm nhạc, giải trí,…. thì nhãn hiệu của Apple Computer, nay là Apple Inc là hình trái táo cắn dở đi kèm tên Apple Inc, gắn với các sản phẩm điện tử.
Cuộc chiến pháp lý giữa Apple Corps và Apple Computer này được giải quyết vào năm 1981 với khoản thanh toán 80.000 đô la cho Apple Corps.
Năm 1991, hai bên đã thiết lập một thỏa thuận trị giá khoảng 26,5 triệu đô la. Theo đó, Apple Computer sẽ có độc quyền sử dụng nhãn hiệu Apple của mình trên hoặc liên quan đến hàng hóa điện tử, phần mềm máy tính, các dịch vụ xử lý dữ liệu và truyền dữ liệu; trong khi Apple Corps sẽ có độc quyền sử dụng các nhãn hiệu Apple của riêng mình trên hoặc liên quan đến bất kỳ tác phẩm sáng tạo hiện tại hoặc tương lai nào có nội dung chính là âm nhạc và / hoặc các buổi biểu diễn âm nhạc, bất kể các tác phẩm đó được ghi lại hoặc truyền đạt bằng phương tiện nào, cho dù hữu hình hay vô hình.
Từ đây, mặc dù hai công ty có các nhãn hiệu giống nhau đến mức nhầm lẫn, nhưng họ đã xác định được một lĩnh vực mà chúng khác biệt – tức là lĩnh vực sử dụng – và điều này đã trở thành cơ sở của thỏa thuận cùng tồn tại của họ. Thỏa thuận cho phép hai công ty tiếp tục kinh doanh và xây dựng danh tiếng của họ mà không vi phạm quyền của nhau.
2. Tranh chấp thứ hai về thỏa thuận cùng tồn tại nhãn hiệu
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ âm nhạc kỹ thuật số Apple Computers ra mắt iPod, phần mềm iTunes và cửa hàng âm nhạc trên nền tảng số. Apple Corps đã khởi kiện, cho rằng Apple Computers đã xâm phạm vào lĩnh vực phân phối nhạc, khu vực dành riêng cho Apple Corps, do đó vi phạm thỏa thuận cùng tồn tại về nhãn hiệu.
Phiên tòa mở vào ngày 29 tháng 3 năm 2006 tại Anh, và theo phán quyết của Tòa được thi hành vào ngày 8 tháng 5 năm 2006, Apple Corps đã thua kiện. Tòa án đã xem xét vấn đề từ quan điểm của người tiêu dùng và cho rằng không có vi phạm thỏa thuận nào vì logo máy tính Apple đã được sử dụng cùng với phần mềm chứ không phải với âm nhạc do dịch vụ cung cấp. Việc sử dụng nhãn hiệu trên không khiến người tiêu dùng tải nhạc bằng phần mềm iTunes sẽ nghĩ rằng họ đang tương tác với Apple Corps.
Đến năm 2007 Apple Computer đổi tên thành Apple Inc. Vào ngày 5 tháng 2 năm 2007, Apple Inc. và Apple Corps đã tuyên bố giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của họ: trong đó Apple Inc. đã sở hữu tất cả các nhãn hiệu liên quan đến “Apple” (bao gồm tất cả các thiết kế của “Granny Smith” Apple Corps Ltd. logo), và sẽ cho phép Apple Corps sử dụng một số nhãn hiệu nhỏ trong số đó. Thỏa thuận này đã chấm dứt vụ kiện nhãn hiệu trên, hai bên đều phải chịu các khoản chi phí pháp lý và Apple Inc. sẽ tiếp tục sử dụng tên và logo của mình trên iTunes. Thỏa thuận này cũng gồm các điều khoản được bảo mật.
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2010, Apple Inc. đã phát động một chiến dịch quảng bá rộng rãi về sự góp mặt của các bài hát của ban nhạc Bealtes trên iTunes.
Dù tranh chấp trên đã được giải quyết trong hòa bình nhưng nó vẫn tạo ra tổn thất lớn cho cả hai bên khi phải bỏ ra nhiều chi phí và cả thời gian để giải quyết vấn đề.
Bài học về sử dụng chung nhãn hiệu rút ra từ tranh chấp trên
1. Kiểm tra nhãn hiệu để tránh bị trùng lặp
Trước khi sử dụng nhãn hiệu, chúng ta nên kiểm tra về đã có sự trùng lặp hay tương tự nào không. Việc tra cứu này rất quan trọng để tạo ra nền tảng vững chắc cho xây dựng thương hiệu sau này của chúng ta. Nhãn hiệu là một phương tiện quan trọng để nhận diện và chắc chắn doanh nghiệp không hề muốn mất nó chỉ vì sự thiếu tìm hiểu ngay từ đầu. Quá trình lựa chọn một nhãn hiệu phải được thực hiện một cách thận trọng và có tầm nhìn xa, tiến hành tra cứu càng toàn diện càng tốt, tốt nhất là với sự hỗ trợ của chuyên gia. Kiểm tra trước sự trùng lặp cũng là bước thiết yếu nếu chúng ta muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình.
2. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình
Việc đăng ký bảo hộ sẽ đảm bảo rằng nhãn hiệu của chúng ta được pháp luật công nhận và tăng khả năng phân biệt thương hiệu của chúng ta với các đối thủ. Đây là cách hạn chế các cá nhân, tổ chức khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn về sản phẩm của người tiêu dùng. Sự trùng lặp dễ gây ảnh hưởng đến uy tín công ty, nhất là khi khách hàng không thể phân biệt được sự khác biệt và có trải nghiệm với các sản phẩm giả danh kém chất lượng, gây ra mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Hơn nữa, với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ thì chủ sở hữu được độc quyền sử dụng nó. Doanh nghiệp có thể khai thác giá trị thương mại của mình bằng cách chuyển giao quyền sử dụng hoặc nhượng quyền để tạo thêm thu nhập cho doanh nghiệp mình. Việc đăng ký bảo hộ cũng giúp tăng độ nhận diện trên thị trường. Khách hàng sẽ công nhận và nhanh chóng thúc đẩy doanh thu.
3. Chú ý về quyền ưu tiên khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Quyền ưu tiên của đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được hiểu là quyền của người nộp đơn trên cơ sở một đơn hợp lệ lần đầu tiên đã được nộp tại một quốc gia khác là thành viên điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên, trong một thời hạn nhất định, người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó tại một quốc gia thành viên khác và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn đầu tiên.
Khi nhiều chủ thể cùng nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu bị trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đơn nào đáp ứng được các điều kiện: phải là đơn hợp lệ, có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số tất cả các đơn đó. Ngày nộp đơn là ngày được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu trí tuệ tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn được nộp theo điều ước quốc tế.
Theo khoản 3 Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì Văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho một đơn duy nhất theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn. Nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đó bị từ chối cấp Văn bằng bảo hộ.
Trong trường hợp đã nỗ lực hết sức để tránh các rủi ro nhưng vẫn xảy ra xung đột phát sinh với cùng một nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu tương tự trên thị trường thì một thỏa thuận để cùng tồn tại có thể ít tốn kém hơn so với tranh chấp pháp lý. Nhưng tùy trường hợp, giải quyết bằng kiện tụng có thể là thích hợp duy nhất. Chính vì vậy, các chủ sở hữu nhãn hiệu trước hết phải tự bảo vệ nhãn hiệu của mình, đồng thời có đánh giá phương hướng giải quyết thích hợp tùy theo tình huống cụ thể nếu rơi vào tình huống có tranh chấp.