Giới thiệu bối cảnh
- Với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng tham gia ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa, hiệp định thương mại dịch vụ, hiệp định thương mại đầu tư với một số quốc gia khác.
- Tuy nhiên, ngoại trừ Hiệp định AANZFTA (ASEAN-Australia-New Zealand Free Trade Area) là có chương riêng với các cam kết cụ thể về bảo hộ quyền SHTT, các Hiệp định còn lại đều không có nội dung Sở hữu Trí tuệ (SHTT) hoặc nếu có thì chỉ viện dẫn tới Hiệp định TRIPS của WTO.
Giới thiệu Hiệp định AANZFTA
- Hiệp định AANZFTA được kí kết ngày 27/02/2009 tại Thái Lan.
- Hiệp định AANZFTA là một hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất mà ASEAN tham gia từ trước đến nay, bao gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa và dịch vụ (gồm cả dịch vụ tài chính và viễn thông), đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế.
- Cam kết về SHTT trong Hiệp định này được cho là cao so với các cam kết trong các FTA khác mà ASEAN đã ký.
Các vấn đề chung
Về mục tiêu
Các cam kết về bảo hộ SHTT theo Hiệp định được đặt ra với tinh thần là nhằm giảm trở ngại đối với thương mại và đầu tư, tuy nhiên có tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, năng lực và sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các nước; và sự cần thiết phải duy trì sự cân bằng giữa quyền của chủ tài sản trí tuệ và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đối tượng được bảo hộ SHTT.
Về phạm vi nghĩa vụ
Chương Sở hữu Trí tuệ của AANZFTA tương tự như Hiệp định TRIPS/WTO:
quyền SHTT bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; quyền đối với giống cây trồng và quyền đối với thông tin bí mật.
Nguyên tắc đối xử quốc gia:
- Nguyên tắc này được quy định tại Điều 4 của Chương SHTT. Theo Điều này, mỗi Bên phải dành sự bảo hộ SHTT phù hợp với chuẩn mực tối thiểu của mà AANZFTA đặt ra cho tổ chức, cá nhân của các Bên khác trong AANZFTA. Bên cạnh đó, mỗi bên dành sự bảo hộ không kém mức dành cho tổ chức, cá nhân của mình. Một số ngoại lệ được đặt ra theo Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế do WIPO quản lý.
- Tuy nhiên, các nước Thành viên có thể sử dụng các ngoại lệ này liên quan đến các thủ tục xét xử và hành chính. Điều này có nghĩa là, các nước có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân của các nước khác phải sử dụng đại diện sở hữu công nghiệp khi yêu cầu xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Nghĩa vụ minh bạch:
- Theo Điều 10 Chương SHTT, các Bên cam kết nỗ lực công bố các quyết định tư pháp có hiệu lực áp dụng chung và các quy định hành chính liên quan.
- Các quốc gia trong AANZFTA cũng cam kết nỗ lực cung cấp các thông tin trên và cơ sở dữ liệu về đơn nhãn hiệu và nhãn hiệu đã được đăng ký trên mạng internet.
- Bằng việc thực hiện cam kết này các thành viên của AANZFTA không những tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin về quy định pháp luật liên quan của các chủ thể quyền mà còn giúp cho việc tra cứu khả năng được bảo hộ của các nhãn hiệu dự kiến đăng ký cũng như tình trạng pháp lý của các nhãn hiệu.
Về Ủy ban SHTT:
- Để bảo đảm thi hành hiệu quả các cam kết trong Hiệp định, các nước AANZFTA đã nhất trí thành lập Ủy ban về SHTT. Ủy ban bao gồm đại diện của các nước nhằm theo dõi việc thi hành và quản trị Chương SHTT của Hiệp định.
- Hoạt động của Ủy ban do các Bên quyết định và tùy thuộc vào nhu cầu xuất phát từ việc thi hành Hiệp định.
- Cơ chế hoạt động của Ủy ban này có thể thay đổi để thúc đẩy đối thoại giữa các Bên về SHTT, đặc biệt là các vấn đề theo nhu cầu của các chủ thể trong xã hội.
- Các Bên phải báo cáo Ủy ban về tình hình thi hành cam kết tại Điều 5 về Quyền tác giả và các thay đổi liên quan đến việc gia nhập các điều ước quốc tế nêu tại Điều 9.7 của Chương SHTT.
Bảo hộ các đối tượng của quyền SHTT
Cam kết liên quan đến mức độ bảo hộ và phạm vi quyền SHTT cụ thể trong Hiệp định này cao hơn nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS ở một số khía cạnh. Dù vậy, đa số ở dạng nghĩa vụ phải nỗ lực, thay vì buộc phải thực hiện (còn gọi là nghĩa vụ mềm).
Quyền tác giả và quyền liên quan
Cam kết về bảo hộ và thực thi quyền đối với hai nhóm quyền này trong Hiệp định (Điều 5) có một số điểm tương đối cao so với Hiệp định TRIPS.
Đối với quyền tác giả
- Các Bên trong AANZFTA có nghĩa vụ dành cho các tác giả độc quyền cho phép việc truyền đạt tác phẩm của mình tới công chúng bằng các phương tiện hữu tuyến và vô tuyến.
- Tuy nhiên, các quy định của Hiệp định TRIPS và Công ước Berne không rõ ràng và tổng quát bằng lời văn trong AANZFTA. Lời văn trong AANZFTA về cơ bản đã được chuyển tải từ nội dung của Điều 8 của WCT.
Đối với quyền liên quan
- Lời văn về việc các Bên dành cho nhà sản xuất bản ghi âm độc quyền cho phép truyền đạt tới công chúng bản ghi âm bằng các phương tiện hữu tuyến và vô tuyến cũng được lấy chủ yếu từ WPPT (Điều 14).
- Tuy nhiên, nghĩa vụ ở đây không mang tính bắt buộc như đối với quyền tác giả, mà chỉ ở mức nỗ lực thực hiện.
Đối với các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền
- Hiệp định quy định các Bên nỗ lực dành sự bảo hộ đầy đủ và quy định biện pháp pháp lý hiệu quả cho hành vi phá các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền. Biện pháp đó được chủ sở hữu quyền tác giả sử dụng để thực hiện quyền của mình và hạn chế các hành vi được thực hiện đối với tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu.
- Nghĩa vụ bảo hộ cho biện pháp công nghệ bảo vệ quyền được lấy từ nội dung của WCT (Điều 11), cao hơn so với quy định của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, nghĩa vụ này cũng mới dừng ở dạng nghĩa vụ mềm, các Bên cùng nhau hợp tác để nỗ lực thực hiện nếu có thể.
- Ngoài ra, các Bên còn phải thúc đẩy việc thành lập các cơ quan phù hợp để quản lý tập thể quyền tác giả và khuyến khích các cơ quan đó hoạt động theo cách thức hiệu quả, công khai minh bạch và có trách nhiệm đối với thành viên.
- Nghĩa vụ này nằm ngoài quy định của Hiệp định TRIPS, được đặt ra nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác thương mại quyền tác giả.
- Trên thực tế các tác giả khó có thể theo dõi việc khai thác tác phẩm của mình ở các nước mà tác phẩm của mình được bảo hộ, do đó cần có tổ chức giúp các tác giả quản lý quyền.
Quyền đối với nhãn hiệu
Phân loại Nhãn hiệu
Hệ thống nhân loại
- Về nhãn hiệu, các Bên phải duy trì hệ thống phân loại nhãn hiệu phù hợp với Hiệp định Nice về phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ trong đăng ký nhãn hiệu.
- Cam kết này nhằm hài hòa hóa cách phân loại hàng hóa và dịch vụ trong đăng ký nhãn hiệu ở các nước, tạo thuận lợi cho người nộp đơn.
Cấp quyền chất lượng
- Đồng thời, các nước trong AANZFTA cần phải cấp quyền có chất lượng đối với nhãn hiệu thông qua việc tiến hành thẩm định nội dung và hình thức và thủ tục phản đối và hủy bỏ.
- Điều này có nghĩa là các nước phải thiết lập quy trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu trong đó có thẩm định nội dung và hình thức đơn đăng ký.
- Quy trình đó cũng cần bao gồm thủ tục cho phép người thứ ba bất kỳ hoặc người có quyền và lợi ích liên quan được phản đối hoặc hủy đăng ký nhãn hiệu.
Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý
- Các nước cam kết bảo hộ nhãn hiệu có trước chỉ dẫn địa lý phù hợp với pháp luật quốc gia và Hiệp định TRIPS.
- Điều này xuất phát chủ yếu từ nhu cầu cam kết của Úc và Niu-Di-lân. Do yếu tố lịch sử, hai nước này có nhiều nhãn hiệu trùng/tương tự với chỉ dẫn địa lý của EU nên muốn bảo đảm sự bảo hộ cho các nhãn hiệu của mình đã được đăng ký tại thị trường ASEAN ngay cả khi có các nước trong EU nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.
- Tuy nhiên, điều này không yêu cầu các nước phải từ chối hoàn toàn các chỉ dẫn địa lý đăng ký sau xung đột với nhãn hiệu có trước.
- Nói cách khác, khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đăng ký sau không làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước thì chỉ dẫn địa lý đăng ký sau vẫn có khả năng được bảo hộ.
Quyền đối với nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian
Sự xung đột lợi ích
- Bắt nguồn từ việc các nước phát triển, với nền công nghệ hiện đại, khai thác các nguồn gen, tri thức truyền thống để tạo ra các sáng chế.
- Sau đó, chính việc bảo hộ sáng chế đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu về nguồn gen và tri thức truyền thống này lại quay trở lại hạn chế quyền sử dụng nguồn gen và các tri thức kèm theo đó của người dân bản địa.
- Trong khi đó, chưa có sự chia sẻ lợi ích từ sáng chế dựa trên nguồn gen và tri thức truyền thống một cách hợp lý.
- Vấn đề tương tự cũng nảy sinh đối với văn hóa dân gian.
- Vì vậy, trong khuôn khổ này các nước đã thừa nhận quyền của một quốc gia được quy định những biện pháp để bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian.
- Tuy nhiên, các biện pháp này cần phải phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan.
Thực thi quyền
Nghĩa vụ thực thi quyền SHTT trong AANZFTA được quy định dưới dạng đảm bảo thực hiện theo Hiệp định TRIPS.
Hợp tác thi hành Hiệp định
Các nước AANZFTA cũng nhất trí thúc đẩy đối thoại về các vấn đề SHTT thông qua việc:
- Chỉ định đầu mối của cơ quan quản lý, kể cả đầu mối của các cơ quan thực thi quyền SHTT tại biên giới;
- Khuyến khích trao đổi giữa các chuyên gia về SHTT nhằm tăng cường sự hiểu biết về hệ thống SHTT của nhau;
- Trao đổi thông tin về xâm phạm quyền SHTT phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia mỗi nước.
Đồng thời các nước AANZFTA cũng sẽ nỗ lực hợp tác trong việc:
- Tăng cường hiệu quả và minh bạch trong hệ thống quản lý và đăng ký quyền SHTT.
- Việc nàybao gồm cả việc trao đổi thông tin liên quan đến sự phát triển của hệ thống.
- Ngoài ra còn xây dựng cơ sở dữ liệu về các quyền đã được đăng ký mà công chúng có thể tiếp cận được;
- Thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT.
Hợp tác trong thực hiện biện pháp biên giới được nhấn mạnh do vai trò nâng cao đáng kể hiệu quả thực thi quyền.
Một mục tiêu đặt ra của việc đưa các cam kết SHTT vào các FTA là thuận lợi hóa điều kiện kinh doanh cho các nhà đầu tư và các nhà kinh doanh thương mại.
Trong SHTT, việc thuận lợi hóa điều kiện kinh doanh đó bao gồm cả việc áp dụng những chuẩn mực chung trong bảo hộ và thực thi quyền.
Nguồn: Trịnh Minh Anh