Thực tiễn thẩm định đơn nhãn hiệu có nhãn hiệu đối chứng dạng đơn

You are currently viewing Thực tiễn thẩm định đơn nhãn hiệu có nhãn hiệu đối chứng dạng đơn

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) gần đây có thay đổi quan trọng trong thực tiễn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu (ĐKNH). Theo đó, nếu thẩm định viên cho rằng nhãn hiệu nộp đơn trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ, Cục SHTT sẽ chờ đến khi nhãn hiệu đối chứng này có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) có hiệu lực mới ra kết luận về kết quả thẩm định nội dung của nhãn hiệu nộp sau.

Trước đây, các nhãn hiệu dù chưa được cấp VBBH vẫn được trích dẫn trong kết quả thẩm định nội dung của các đơn nộp sau.

Thực tiễn này được thay đổi nhằm phù hợp với quy định của pháp luật, vì nhãn hiệu đang thẩm định đơn không phải là một cơ sở từ chối ĐKNH theo Điều 74.2 Luật SHTT, vốn yêu cầu nhãn hiệu đối chứng phải được đăng ký, hoặc đã được sử dụng rộng rãi hoặc nổi tiếng.

Tuy nhiên, thực tiễn này lại gây ra nhiều bất lợi cho các chủ đơn trên thực tế.

Hiện nay, thời hạn thẩm định đơn ĐKNH tại Việt Nam kéo dài hàng năm, cụ thể 2-3 năm đối với các vụ việc đơn giản và kéo dài hơn trong nhiều trường hợp khác. Thời hạn này vượt rất nhiều so với thời gian cam kết luật định và vốn đã gây nhiều khó khăn cho các chủ đơn.

Trong bối cảnh này, việc sớm ra kết luận thẩm định nội dung, dù nhãn hiệu đối chứng đang ở trong quá trình thẩm định, là rất cần thiết và có lợi đối với các bên, giúp Chủ đơn chủ động hơn trong các phương án kinh doanh cũng như có các hành động pháp lý cần thiết để đẩy nhanh quá trình đăng ký. Cụ thể:

  • Nếu chủ đơn không đồng ý với kết luận của Cục SHTT và cho rằng nhãn hiệu nộp đơn có khả năng phân biệt với nhãn hiệu đối chứng, chủ đơn có thể nộp công văn nêu rõ ý kiến phản đối (kèm với các lập luận và chứng cứ thuyết phục) để Cục SHTT xem xét và sớm cấp VBBH cho nhãn hiệu.
  • Nếu chủ đơn đồng ý với kết luận của Cục SHTT về khả năng gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu, chủ đơn có thể chủ động thực hiện các phương án khả thi khác, ví dụ: tiến hành mua lại nhãn hiệu đối chứng và ghi nhận thay đổi chủ đơn.
  • Trong trường hợp nhãn hiệu đối chứng dạng đơn chỉ ảnh hưởng đến khả năng đăng ký của một phần danh mục trong đơn đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn có thể loại bỏ nhóm có rủi ro hoặc tiến hành tách đơn để các nhóm còn lại sớm được cấp VBBH.
  • Trong trường hợp không có phương án khả thi nào có thể được thực hiện, chủ đơn cũng sẽ có thông tin chính thức để chủ động điều chỉnh các phương án kinh doanh của mình trên thực tế, tránh tình trạng lãng phí thời gian và nguồn lực phát triển một thương hiệu không có khả năng đăng ký.

Ngoài việc chủ đơn không còn được thông tin chính thức để thực hiện các hành động pháp lý cần thiết, việc trì hoãn ra kết quả thẩm định nội dung đơn để chờ kết quả thẩm định của đơn nộp trước có thể gây nên sự chậm trễ theo chuỗi của nhiều đơn, cụ thể đơn B chờ kết quả của đơn A và đơn C chờ kết quả của đơn B.

Vì vậy, khi Cục SHTT chưa đáp ứng được thời gian thẩm định đơn ĐKNH theo quy định của pháp luật và tình trạng chậm trễ vẫn diễn ra nghiêm trọng, INVESTIP cho rằng nên giữ nguyên thực tiễn thẩm định cũ, cụ thể trích dẫn ngay nhãn hiệu đối chứng dù chưa được cấp VBBH, để chủ đơn có thể chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong thời gian sớm.

Ngoài ra, trong tình hình này, đối với chủ đơn đang cân nhắc nộp nhãn hiệu nhiều nhóm và báo cáo tra cứu xác định được các rủi ro rõ ràng, chúng tôi khuyến nghị khách hàng nộp thành các đơn khác nhau để tránh hệ quả tiêu cực ở một nhóm có thể kéo dài quá trình cấp VBBH cho các nhóm còn lại.

Đối với khách hàng nộp đơn nhiều nhóm tại INVESTIP, chúng tôi sẽ luôn theo sát đơn của quý khách hàng và chủ động đề xuất các phương án xử lý cần thiết và kịp thời để hạn chế đơn chịu tác động tiêu cực từ thực tiễn mới trên đây.

Tác giả: Nguyễn Thị Nhung

Phòng Nhãn Hiệu

INVESTIP – IP LAW FIRM