Tính tương thích với Điều ước Quốc tế của Luật Sở hữu trí tuệ mới

  • Post category:Tin tức

Về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.

Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật có ý kiến như sau: 

1.Về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền

(Điều 12.12 của Hiệp định EVFTA; khoản 10b Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ được bổ sung theo điểm đ khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật; các điều 28, 35 và 198 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 11, 17 và 86 Điều 1 của dự thảo Luật)

Để thực hiện cam kết về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền quy định tại Điều 12.12 của Hiệp định EVFTA, điểm đ khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung khoản 10b vào Điều 4 của Luật hiện hành quy định

Biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khỏi các hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, bao gồm cả việc kiểm soát tiếp cận hoặc sao chép tác phẩm…”.

Theo định nghĩa này, bất kỳ biện pháp sử dụng công nghệ nào có chức năng bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khỏi các hành vi xâm phạm đều sẽ được bảo hộ. 

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 12.12 Hiệp định EVFTA chỉ giới hạn việc bảo hộ các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền đối với các biện pháp được cho là “hữu hiệu”, với định nghĩa

Biện pháp công nghệ được coi là “hữu hiệu” khi việc sử dụng tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ khác được kiểm soát bởi các chủ thể quyền thông qua ứng dụng kiểm soát truy cập hoặc quy trình bảo vệ như mã hóa, xáo trộn dữ liệu, hoặc các hình thức biến đổi khác đối với tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ khác hoặc cơ chế kiểm soát sao chép nhằm đáp ứng mục tiêu bảo hộ.”. 

Như vậy, so với cam kết tại Hiệp định EVFTA, quy định tại dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi các biện pháp công nghệ được bảo hộ. Dự thảo không chỉ dừng lại ở các biện pháp “hữu hiệu” theo các tiêu chí như nêu trong Hiệp định EVFTA mà là tất cả các biện pháp sử dụng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị nào có chức năng bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khỏi hành vi xâm phạm.

Mức độ bảo hộ như vậy là cao hơn yêu cầu của cam kết.

Đồng thời tiêu chí để xác định biện pháp công nghệ được coi là “hữu hiệu” quy định tại dự thảo Luật chưa thực sự rõ ràng.

Do đó cần phải được xem xét lại về tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.

2. Về giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

(Điều 9.2 Công ước Berne, Điều 13 Hiệp định TRIPs, Điều 18.65 Hiệp định CPTPP, Điều 12.14 Hiệp định EVFTA; các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 8, 9, 10, 15 và 16 Điều 1 của dự thảo Luật)

Giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là một nguyên tắc pháp lý được quy định tại

  • Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật,
  • Hiệp định TRIPs về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ,
  • Hiệp định CPTPP,
  • Hiệp định EVFTA
  • và một số điều ước quốc tế khác có liên quan.

Nguyên tắc này được khái quát hóa thành nguyên tắc phép thử 3 bước” và trở thành“thông lệ quốc tế” khi quy định về giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan trong luật quốc gia.

Theo đó, 

  • Luật pháp của quốc gia thành viên có thể quy định giới hạn và ngoại lệ về quyền tác giả, quyền liên quan chỉ trong những trường hợp đặc biệt nhất định mà 
  • không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường của các đối tượng bảo hộ và 
  • không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khoản 2 Điều 25, khoản 2 Điều 26, khoản 3 Điều 32 và khoản 3 Điều 33 của Luật hiện hành đã quy định về giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp với nguyên tắc “phép thử 3 bước” trong Công ước Berne, Hiệp định TRIPs và điều ước quốc tế khác có liên quan.

Trong giai đoạn thẩm định và giai đoạn trình Chính phủ cho ý kiến, dự thảo Luật cũng đã có quy định này.

Tuy nhiên, quy định về giới hạn ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan tại các khoản 8, 9, 10, 15 và 16 Điều 1 của dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành) đã lược bỏ 2 yêu cầu sau của nguyên tắc “phép thử 3 bước”.

Sau đó, Cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại nội dung này để bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

3. Về thực hiện cơ chế đầy đủ và hiệu quả để đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành

(khoản 2 Điều 12.40 của Hiệp định EVFTA; Điều 131a được bổ sung theo khoản 63 Điều 1 của dự thảo Luật)

Để thực hiện yêu cầu nêu trên quy định tại Hiệp định EVFTA, khoản 63 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung Điều 131a quy định

Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc 02 năm kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ mà không có lý do chính đáng”.

Dự thảo Luật không quy định rõ thế nào là “lý do chính đáng”.

Do đó, có thể dẫn đến cách hiểu nếu chậm 02 năm nhưng có lý do chính đáng thì sẽ không bị coi là chậm. Cụ thể là bất kể lý do đó là xuất phát từ nguyên nhân gì và thuộc về chủ thể nào.

Tuy nhiên, theo chú thích số 60 tại Điều 12.40 của Hiệp định EVFTA thì không tính vào thời gian chậm 02 năm này.

Đó là đối với phần thời gian chậm do lỗi của người nộp đơn. Trường hợp khác, do nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, lý do nằm ở phía cơ quan có thẩm quyền nhưng xuất phát từ nguyên nhân khách quan mà cơ quan này không thể làm khác được.

Như vậy, các trường hợp không được đền bù trong dự thảo Luật rộng hơn quy định của Hiệp định EVFTA. Như vậy, có thể bị đối tác EU xem là hạ thấp tiêu chuẩn bảo hộ cho chủ sở hữu dược phẩm đăng ký lưu hành trong trường hợp này.

Cơ quan soạn thảo nhận đề nghị biên tập lại nội dung này để bảo đảm tính tương thích với Hiệp định EVFTA. 

4. Quy định trở về trước (Điều 4 của dự thảo Luật)

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Điều 4 của dự thảo Luật mới xác định 02 trường hợp có hiệu lực xác định riêng (theo mốc thời gian phù hợp với cam kết tương ứng, gồm quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh và bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm).

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 và Điều 2 của Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định EVFTA quy định

  • áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2” (liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý) và
  • áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành” (về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, cơ chế đền bù sáng chế).

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật còn nội luật hóa một số cam kết quốc tế khác trong các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Vì thế, cần phải được tiếp tục rà soát về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế. 

Nguồn: Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội