Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ cao vi phạm bản quyền trên không gian mạng

You are currently viewing Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ cao vi phạm bản quyền trên không gian mạng

Với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội, dịch vụ phát nội dung online (streaming), vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng ở các nước trong đó có Việt Nam đang ngày càng trở nên phức tạp.

Trong “Thảo luận bàn tròn và hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng”, các cơ quan thực thi pháp luật, những cơ quan hữu quan và nhiều doanh nghiệp đã nhấn mạnh những thách thức to lớn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu thì vai trò của đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu đặc biệt quan trọng trong hoạt động thương mại và phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hệ thống thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước sở tại.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, những năm qua, mặc dù Việt Nam đã cố gắng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo…

Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.

Kết quả nghiên cứu cho hay, 38% người tham gia khảo sát cho biết vi phạm bản quyền trực tuyến có tác động tiêu cực tới Việt Nam; 36% người dùng nhận thấy những hành vi vi phạm bản quyền sẽ tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động kinh tế xã hội.

Đại diện Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, chưa bao giờ tình trạng đánh cắp, vi phạm bản quyền diễn ra nhanh, nguy hiểm, có hệ thống và gây ra nhiều nguy hại cho các nhà sản xuất, phát hành nội dung như thời kỳ công nghệ số.

Các nội dung phát online trái phép như nhạc, phim đã gây tổn hại lớn cho các nhà sáng tạo, phát hành khi họ mất chi phí sản xuất nhưng không thể thu về lợi nhuận tương xứng. Vi phạm bản quyền không chỉ gây hại cho nhà phát hành mà còn tổn hại đến nền kinh tế khi ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Nhận thức được những thiệt hại, mất mát không chỉ về khía cạnh kinh tế mà còn trên khía cạnh con người, xã hội, trong các năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, trong vòng 40 năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện và phát triển Luật sở hữu trí tuệ. Năm 1981, những quy định về sở hữu trí tuệ xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam dưới dạng pháp lệnh. Hơn 10 năm sau, Việt Nam đã luật hóa tất cả các văn bản dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ trước đó, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong ngành sở hữu trí tuệ Việt Nam vào năm 2005.

Và sau đó, đến năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ đã được cắt ra làm một luật riêng. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với định hướng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày nay, những trang thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok đã khiến cho việc xử lý hành vi xâm phạm quyền ngày càng trở nên khó khăn hơn do việc kinh doanh trên những hoạt động này đều phi biên giới. Thêm vào đó, những đối tượng thực hiện các hành vi này đều là những người có kĩ năng tương đối tốt, khả năng và năng lực đa ngành, khiến cho việc thực thi quyền càng trở nên khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý hành chính, hình sự về sản xuất và buôn bán hàng giả là rất nghiêm khắc. Về khung hình sự, người sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thể sẽ phải đối mặt với mức án tử hình đối với việc cung cấp những thực phẩm, dược phẩm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người, xã hội.

Một lần nữa, ông Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đối với các sản phẩm trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhưng để thực hiện sở hữu trí tuệ với quy mô toàn diện, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nước ngoài. 

Nguồn: Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo