Xử lý nhiều vụ việc giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam

  • Post category:Tin tức

Nhiều nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, như linh kiện, phụ tùng xe máy, đồ tiêu dùng… đã và đang bị giả mạo nhãn hiệu. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng thuộc ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh, làm giả các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo Honda, Yamada, khóa Việt Tiệp, Nón Sơn, rượu… giả mạo nhãn hiệu.

Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành tiêu hủy một số lượng lớn hàng giả là vật chứng của vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trước đó, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 100 thùng carton, bên trong là hơn 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Việt Tiệp có bao bì, nhãn mác, mọi thông tin trên sản phẩm đều thể hiện bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, xuất xứ của số hàng hóa trên lại là từ bên kia biên giới.

Với thủ đoạn đặt các xưởng gia công ở nước ngoài làm giả với chất lượng thấp và giá thành rẻ, các đối tượng đã tuồn một số lượng lớn khóa giả vào nội địa bằng cách trà trộn trong 2 thùng container và không khai báo hải quan khi nhập khẩu tại cửa khẩu Hoành Mô tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên thủ đoạn này không qua mắt được cơ quan chức năng.

Đây được xem là vụ buôn hàng giả qua biên giới lớn nhất từ trước đến nay. Để tránh thẩm lậu ra thị trường, toàn bộ 3.300 ổ khóa đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy bằng phương pháp thủ công trước sự giám sát của Cục Thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cùng với 3.300 bộ khóa giả, 400 chiếc máy khoan cầm tay và hơn 14.000 mũi khoan các loại được xác định là hàng giả được nhập lậu trong cùng 2 container cũng bị cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy. Tổng giá trị hàng hóa giả mạo lên tới gần 9 tỷ đồng.

Ngày 14/02/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần Việt Pháp Victory đồng thời thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 33.240 chai rượu vi phạm nhãn hiệu “JINRO” và nhãn hiệu “HITEJINRO”.

Rượu mang nhãn hiệu “JINRO” & “HITEJINRO” vi phạm.

Trước đó, ngày 21/12/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty cổ phần Việt Pháp Victory, kết quả kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở sản xuất của Công ty có 33.240 chai rượu dung tích 360ml trên thân chai mang nhãn hiệu “JINRO” & “HITEJINRO” tổng giá trị hàng hóa vi phạm được xác định là 266.325.600 đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường trình Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 228.000.000 đồng đối với hành vi “gia công hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”.

Tại TP.HCM, ngày 9/1/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TPHCM đang điều tra 6 đối tượng về hành vi sản xuất, mua bán nón vải giả mạo thương hiệu, trị giá ước tính khoảng 38 tỷ đồng. Trước đó, công an bắt quả tang Đoàn Duy Công, sinh năm 1987, ngụ tỉnh Lâm Đồng đang vận chuyển 5000 nón vải giả mạo thương hiệu Nón Sơn đi tiêu thụ tại Quận 12, TPHCM. Đoàn Duy Công khai nhận lấy số nón giả này của Đinh Đức Trọng, sinh năm 1992, ngụ TP HCM. Kiểm tra nơi ở của Trọng, tổ công tác thu giữ thêm hàng ngàn nón vải giả mạo thương hiệu Nón Sơn.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận tổ chức sản xuất nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn, sau đó rao bán trên các trạng mạng xã hội và bỏ mối cho một số cửa hàng để thu lợi bất chính. Khám xét khẩn cấp 7 xưởng sản xuất, cửa hàng, kho hàng trong đường dây này, Công an thu giữ tổng cộng gần 33 nghìn nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn, với trị giá hàng thật trên 38 tỷ đồng, cùng các tang vật liên quan.

Ngày 01/01/2022 Tổ liên ngành chống buôn lậu An Giang đã phối hợp cùng Công an xã Quốc Thái kiểm tra hộ kinh doanh mua bán phụ tùng xe Honda Bảy Đà, địa chỉ tại ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú.

Sau quá trình kiểm tra, lực lượng Tổ liên ngành chống buôn lậu và Công an xã đã phát hiện và thu giữ 600 chai dầu nhớt và 500 phụ tùng các loại nhãn hiệu Honda do nước ngoài sản xuất không có giấy xuất xứ nguồn gốc. Tổng giá trị số hàng trên khoảng 150 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng khai nhận số lượng sản phẩm trên được thu mua từ nhiều nơi ở TP.HCM, nên không có hóa đơn chứng từ.

Trước đó, ngày 12/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền xử phạt 205.000.000 đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Hồng Hà Long có hành vi buôn bán mặt hàng nhôm giả mạo nhãn hiệu XINGFA.

Hình thức xử phạt bổ sung buộc đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn đối với mặt hàng vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 2.094 kg thanh nhôm giả mạo nhãn hiệu XINGFA. Trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ là 188.460.000 đồng

Tháng 11/2021, Đội Quản lý thị trường số 5 – Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành khám đối với phương tiện vận tải là xe ô tô tải BKS: 99C-164.64 do ông Trịnh Quang Thức sinh năm 1983, địa chỉ phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện vận chuyển 2.094kg thanh nhôm nhãn hiệu XINGFA. Toàn bộ số hàng hoá nêu trên thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Hồng Hà Long.

Có thể thấy, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại không từ mọi thủ đoạn làm giả, vận chuyển và tiêu thụ những hàng hóa giả mạo thương hiệu. Qua nhưng vụ việc trên nếu không phát hiện sớm, ngăn chặn và tiêu hủy kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng và xáo trộn thị trường.

Thời gian qua, để bảo vệ thương hiệu của mình, cũng như góp phần lành mạnh hóa thị trường, một số doanh nghiệp lớn đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là yếu tố và là cơ sở quan trong trong việc bắt giữ và xử phạt đối với những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam mà các cơ quan chức năng phải xử lý trong thời gian qua.

Một số hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi năm 2009) như sau: “Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý 1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. 2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. 3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý; c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó; d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.”

Nguồn: trungtamchonghanggia.com